Thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các chương trình đào tạo để thu hút ứng viên tiềm năng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo năm 2024, doanh nghiệp (DN) trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu người. Trong đó, 44% lao động không qua đào tạo, 19% có trình độ đại học trở lên và khoảng 37% có trình độ trung cấp, cao đẳng (khoảng 700.000 người).
Tăng cơ hội cọ xát
Để giải quyết tình hình khan hiếm lao động chất lượng cao, nhiều DN đã chủ động xây dựng chương trình thực tập sinh (TTS) tìm kiếm nhân tài từ các trường học với nhiều chính sách đãi ngộ.
Chương trình TTS là một hình thức học qua thực hành, giúp sinh viên (SV) áp dụng kiến thức, lý thuyết đã học vào thực tế công việc và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Chương trình diễn ra vào mùa hè hoặc thời điểm SV được nghỉ viết luận văn (từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm). Ứng viên khi được tuyển dụng phần lớn chưa có kinh nghiệm và thiếu cơ hội cọ xát.
Thông qua việc thường xuyên xây dựng mối quan hệ với các trường cao đẳng, đại học, Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM) giải được bài toán thiếu hụt lao động kỹ thuật. Ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng Thu hút nhân tài công ty, cho biết hằng năm khối phòng kỹ thuật, kế toán, nhân sự, kế hoạch, kinh doanh… đều đặt hàng tuyển dụng một lượng lớn TTS.
Ứng viên tham gia ứng tuyển, ngoài cơ hội trải nghiệm công việc thực tế, trong quá trình thực tập còn được nhận phụ cấp, hỗ trợ cơm trưa và nhiều đãi ngộ khác; được tạo điều kiện tham gia chương trình tuyển chọn nhân sự tiềm năng do công ty tổ chức để trở thành nhân viên chính thức. "Các SV năm 2, 3 được tuyển dụng không chỉ tiệm cận nhu cầu của DN mà còn gắn bó hơn so với lao động do DN tự tuyển" - ông Đức nói.
Sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic thực hành nghề nghiệp tại doanh nghiệp
Từ năm 2018, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức, TP HCM) đã chủ động tìm kiếm ứng viên tiềm năng tại trường cao đẳng, đại học hay các hội chợ việc làm. Ứng viên thể hiện năng lực tốt, vượt qua được giai đoạn thử thách sẽ được tuyển dụng với mức lương khởi điểm từ 12 - 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh môi trường làm việc chuyên nghiệp và chế độ đãi ngộ hấp dẫn, người lao động còn có cơ hội phát triển nghề nghiệp và được đào tạo ở nước ngoài.
Nhà tuyển dụng hưởng lợi
Qua khảo sát tại 80 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), 70% SV trả lời có nguyện vọng ở lại TP HCM làm việc. Bình quân mỗi năm có khoảng 500.000 SV tốt nghiệp, trong đó 350.000 người sẵn sàng cung cấp cho thị trường lao động. Nhưng kết quả khảo sát của hơn 23.000 DN cho thấy rất nhiều DN gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động, lý do là vì cung - cầu chưa gặp nhau.
Theo ông Trần Vân Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở TP HCM, thời gian qua, nhà trường đã ký kết với hơn 1.000 đơn vị, DN, nhằm tạo cơ hội cho SV có nhiều trải nghiệm thực tế với ngành học. Qua đó, nâng tỉ lệ SV sau một năm tốt nghiệp có việc làm hơn 96%. Nhiều chuyên gia nhân sự đánh giá chương trình TTS không chỉ giúp ứng viên được hưởng lợi mà còn là cơ hội lớn cho nhà tuyển dụng.
Đăng thảo luận