Với tuyệt phẩm "Điếu Nguyễn Trung Trực", đặc biệt là 2 câu "thực" - "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần", Huỳnh Mẫn Đạt xứng danh là tên tuổi hàng đầu trên văn đàn thi ca yêu nước lúc bấy giờ

Chỉ còn mươi bài thơ chữ Nôm được truyền tụng trong cuộc đời một quan chức triều Nguyễn long đong lận đận, song chỉ cần một tuyệt phẩm khóc anh hùng Nguyễn Trung Trực làm năm 1868, Huỳnh Mẫn Đạt đã trở thành tên tuổi rạng ngời trên văn đàn và lịch sử thi ca, làm hoa cho đất phương Nam thời oanh liệt "Nam Kỳ kháng Pháp".

Thăng trầm cuộc đời quan chức

Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm Đinh Mão (1807) tại làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP HCM). Lúc 24 tuổi, vào năm Tân Mão (1831), ông dự khoa thi Hương ở trường thi Gia Định, đỗ cử nhân thứ ba trong số 10 cử nhân khoa thi này.

Đến năm Kỷ Hợi (1839), Huỳnh Mẫn Đạt bắt đầu ra làm quan, với chức Thự Ngự sử đạo Ninh Thái (là 2 tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên ngày nay). Năm Canh Tý (1840), với chức Giám sát Ngự sử, ông được cử vào Nam, thanh tra việc Bố chánh Định Tường là Nguyễn Đắc Trí để thua trận đánh dẹp thổ phỉ ở địa phương. Nguyễn Đắc Trí bị giáng làm lính trơn, còn Huỳnh Mẫn Đạt được vua Minh Mạng chuẩn cho ở lại quân thứ, giúp việc dẹp giặc.

 Những người làm hoa cho đất: Huỳnh Mẫn Đạt: Rạng ngời thi ca yêu nước 第1张

Một tuyến đường tại quận 5, TP HCM mang tên Huỳnh Mẫn Đạt (Ảnh: TẤN THẠNH)

Cũng năm này, bên Hà Tiên có loạn. Huỳnh Mẫn Đạt được lĩnh chức quyền Tuần phủ quan phòng, đi Hà Tiên lo việc đánh giữ. Thế nhưng, Huỳnh Mẫn Đạt chưa kịp lên đường thì đã có thổ phỉ nổi lên ở sông nhánh Tân Thạnh, ông liền đốc binh đánh dẹp. Giặc tan nhưng ông cũng trúng đạn, được vua thưởng 20 quan tiền, cho ở lại Định Tường dưỡng thương. Đến cuối năm, khi khỏi thương tích, ông mới đi Hà Tiên nhận chức.