UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) vừa tổ chức buổi lấy ý kiến của chính quyền địa phương và người dân về dự án khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na và xã Yên Tĩnh do Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô (Công ty Thủ Đô) triển khai. Kết quả, có 71/71 ý kiến được lấy đều không đồng tình để dự án khai thác vàng này được triển khai. Ngoài ra, người dân cũng kiến nghị các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TNMT cấp năm 2017 đối với dự án này.
Khe Chà Hạ chảy qua địa bàn xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa (Tương Dương) từng bị ô nhiễm nặng nề vì vấn nạn khai thác vàng.
Được biết, khu vực khai thác vàng nằm ở núi Pu Phen, giáp ranh giữa 3 xã Yên Na, Yên Hòa và Yên Tĩnh của huyện Tương Dương. Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 75 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cấp năm 2017, dự án khai thác vàng tại huyện Tương Dương có trữ lượng khai thác 13.800 tấn quặng (tương đương 80kg vàng). Dự án được thực hiện trong thời gian 15 năm theo công nghệ khai thác hầm lò. Tổng diện tích khu vực khai thác vàng là hơn 126,71 ha.
Mặc dù công tác thăm dò và cấp phép đã lâu nhưng đến nay Công ty Thủ Đô vẫn chưa hoàn thiện đủ thủ tục hồ sơ, pháp lý để đi vào khai thác vàng. Ngoài ra, từ khi được cấp phép, chủ đầu tư không phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trong phạm vi được cấp. Điều này đã dẫn đến tình trạng các đối tượng khai thác khoáng sản vàng trái phép trong khu vực này.
Người dân xã Yên Na (huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn còn lo sợ khi nhớ lại về những hệ lụy mà tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra trên địa bàn.
Vào năm 2021, Công ty Thủ đô có công văn tham vấn cộng đồng về nội dung đánh giá tác động môi trường của dự án. Nhưng qua làm việc, chính quyền địa phương và nhân dân 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh quyết liệt phản đối dự án khai thác vàng này.
Người dân địa phương cho hay, khi Công ty Thủ Đô bắt đầu vào thăm dò khai thác khoáng sản vàng thì các ổ nhóm khai thác vàng trái phép cũng bắt đầu hình thành. Có thời điểm, các ổ nhóm "thổ phỉ" hoạt động rầm rộ. Điều này đã gây nên tình trạng mất an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường, nguồn nước trên địa bàn.
Dự án từng để lại nhiều hệ lụy
Từng có thời gian đi khai thác vàng thuê, ông Lương Văn Thương (SN 1965, trú tại bản Na Bón, xã Yên Na) nhớ lại, có thời điểm, núi Pu Phen có hơn 20 đội khai thác vàng "thổ phỉ" khác nhau. Mỗi đội khai thác có một hầm lò và một khu vực riêng. Trung bình các hầm lò đều khoét sâu vào lòng đất từ 50-80m.
Quá trình khai thác hầm lò, công nhân sẽ đào quặng từ dưới lò lên và mang đi xay xát. Từ hỗn hợp này sau đó được thợ bỏ vào máng chứa thủy ngân và bột chua để “bắt” vàng. Có nhóm dùng khí nitơ để đốt. Quá trình đốt, các quặng kim loại khác sẽ bị nóng chảy và lộ ra vàng.
“Đợt đó khai thác vàng rầm rộ lắm, người dân địa phương cũng có nhưng đa số là người nơi khác đến. Đông người làm và không đảm bảo nên xảy ra sập hầm vàng. Rồi tệ nạn ma túy, cờ bạc xảy ra làm mất an ninh trật tự”, ông Thương nói và cho hay, vào năm 2008, bản Cành Tong có 3 người chết. Ngoài ra người dân nơi khác đến cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn trong quá trình khai thác.
Ông Lương Bá Truyền - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết, từ năm 2008 đến khoảng năm 2013, nạn khai thác vàng trái phép trên đỉnh Pu Phen diễn ra rầm rộ và kéo theo nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cắp… và ảnh hưởng môi trường. Huyện Tương Dương từng phải tổ chức nhiều đợt truy quét, thu giữ máy móc phục vụ khai thác vàng, phá hủy nhiều lán trại trái phép. Đồng thời giao cho chính quyền 3 xã luân phiên cử người canh gác thì tình trạng khai thác vàng trên Pu Phen mới được giải quyết. “Hệ lụy của nạn khai thác vàng vẫn còn dư âm đến bây giờ nên nhân dân và cán bộ địa phương không đồng tình để dự án khai thác vàng được triển khai trên địa bàn”, ông Lương Bá Truyền - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết.
Ngoài phản đối dự án khai thác, người dân và chính quyền địa phương đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho công ty này.
Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, đây là một trong những dự án triển khai chậm trên địa bàn. “Căn cứ vào điều kiện thực tế, cũng như hệ lụy trước đây về khai thác vàng trái phép gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường dẫn đến người dân không đồng tình với dự án triển khai của công ty này. Mong muốn của nhân dân ở đây là hoàn toàn chính đáng, họ rất mong được yên ổn như hiện nay để yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế”, ông Hiến chia sẻ thêm.
Ngày 19/6, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi huyện Tương Dương có báo cáo, các sở, ban, ngành liên quan sẽ xem xét để làm văn bản đề xuất. Sở TNMT sau đó sẽ tổng hợp và làm văn bản báo cáo lên UBND tỉnh. Từ đó, UBND tỉnh Nghệ An sẽ làm văn bản báo cáo ra Bộ TNMT để có hướng dẫn, chỉ đạo đối với dự án này.
Nguy hiểm từ hồ nước sâu tại mỏ đá bỏ hoang, dân nơm nớp lo xảy ra tai nạn 14/05/2024 Kẹt giữa kho báu bô xít - kỳ 1: Nằm trên 'mỏ vàng' lớn nhất nước 14/05/2024 Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại mỏ khai thác khoáng sản không hoàn thổ 11/05/2024Bạn đọc
Cả trăm người đến hỗ trợ, 'giải cứu' chủ trang trại có 9.000 con gà chết ngạt
Bạn đọc
Cô gái trẻ bất ngờ khi CSGT liên hệ trao trả túi xách đánh rơi trên đường
Bạn đọc
Ấm lòng những 'chuyến xe 0 đồng Khánh Hòa' cho bệnh nhân nghèo
Bạn đọc
Kỳ lạ chuyện bán đất nghĩa trang trên giấy
Bạn đọc
Đăng thảo luận