Người chết 26 năm vẫn có chữ ký trong hồ sơ cho tặng
Ngày 5/10, lãnh đạo UBND xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), xác nhận thông tin, trên địa bàn có vụ tranh chấp đất đai kéo dài, do cháu ngoại làm giả hồ sơ, giấy tờ để chiếm đất hương hoả của bên ngoại. Tuy nhiên, vụ việc vượt thẩm quyền cấp xã, nên các bộ phận chuyên môn của xã chỉ hướng dẫn đương sự khởi kiện lên cấp trên hoặc ra ra toà án để được giải quyết.
Khu đất hương hoả của người nhà họ Dương đã xập xệ, nhưng không thể sửa chữa để thờ cúng tổ tiên, vì gặp phải sự ngăn cản của cháu ngoại.Theo văn bản trả lời đơn khiếu nại của ông Dương Minh Luyện (SN 1960), trú ở TP. Đông Hà (Quảng Trị), UBND xã Quảng Xuân kết luận: Ông Dương Lai (SN 1917 – 1980) và vợ bà Phạm Thị Điểu (SN 1925 – 2015) từng sinh sống trên thửa đất hơn 360m2 tại xóm 3, thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân. Hai ông bà sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái và đều rời xa quê lập nghiệp.
Năm 2005, ông Nguyên Thái Lam (SN 1975) là cháu ngoại của ông Lai bà Điểu dẫn vợ là Dương Thị Hà (SN 1976) về xin tá túc nhà ông bà ngoại vì quá khó khăn. Ông Lai lúc này đã qua đời, bà Điểu cho cháu ngoại ở nhờ và cho lập xưởng mộc trong khu đất để làm ăn.
Lợi dụng bà ngoại tuổi cao không còn minh mẫn, năm 2006, vợ chồng ông Lam tự ý lấy sổ đỏ của bà Phạm Thị Điểu đến UBND xã Quảng Xuân, giả mạo chữ ký của ông bà ngoại (ông Lam đã chết, còn bà Điểu không biết chữ) làm hợp đồng cho, tặng cháu ngoại thửa đất hương hoả của gia tộc họ Dương.
Đến năm 2015, bà Điểu qua đời, con cháu về tính chuyện cải tạo lại nhà cửa để làm nơi thờ tự tổ tiên thì tá hoả, toàn bộ diện tích đất hương hoả của dòng tộc họ Dương đã mang tên cháu ngoại Nguyễn Thái Lam.
Đã chiếm đất còn thêm côn đồ
Ông Dương Minh Luyện, người con trai út của ông bà Lai – Điểu cho biết: Khi sự việc bị phát giác, dòng họ đã ngồi lại họp hành, yêu cầu vợ chồng ông Lam trả lại đất cho gia tộc, tuy nhiên ông Lam không trả; thậm chí, đòi đuổi người nhà họ Dương mỗi khi về hương khói cho tổ tiên.
Tại thời điểm ký hồ sơ cho, tặng ông Lai đã chết cách đó 26 năm, còn bà Điểu không biết chữ.Sự việc được người nhà họ Dương báo lên chính quyền địa phương, ông Lam thừa nhận hành vi sai trai của mình. Tuy nhiên, sau đó tiếp tục lặp lại hành vi gây khó đối với người nhà họ Dương. “Vào ngày 7/2/2024, tôi về quê ăn Tết, vào nhà để thắp hương cho ông bà tổ tiên thì cháu Lam ngăn cấm, chửi bới, hành hung, vác cả chiếc bàn ném vào tôi” – ông Luyện nói.
Theo ông Dương Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức hoà giải 2 lần nhưng ông Lam kiên quyết không trả lại đất. Theo hồ sơ còn lưu, tại thời điểm năm 2006 phát sinh hợp đồng cho, tặng đất đai giữa ông bà Lai – Điểu với vợ chồng Lam – Hà, thì ông Lai đã qua đời cách đó 26 năm, còn bà Điểu không biết chữ, thì lấy đâu ra chữ ký để cho tặng?
Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân cho biết, vụ việc làm giả hồ sơ để chiếm đất hương hoả bên ngoại của ông Lam quá rõ. Tuy nhiên, lại không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, nên các bộ phận chuyên môn của địa phương chỉ tổ chức hoà giải và hướng dẫn người nhà họ Dương khiếu nại lên cấp trên, hoặc toà án để được giải quyết.
Được biết, ông Luyện đã khởi kiện vụ việc lên Toà án Nhân dân huyện Quảng Trạch và đã qua 2 lần hoà giải, nhưng vợ chồng ông Lam vẫn cương quyết không trả lại đất cho dòng tộc họ Dương.
Xem nhiềuBạn đọc
Tháo dỡ khu sinh thái 'Không Thời Gian' xây dựng trái phép trên đất lúa
Bạn đọc
Tỉnh Yên Bái gửi thư cảm ơn báo Tiền Phong và bạn đọc hỗ trợ người dân trong bão lũ
Bạn đọc
Đau lòng trước cảnh ông bố hiến thận cứu con, vợ quẫn bách bỏ đi biệt xứ
Bạn đọc
Làng chạy sóng
Bạn đọc
Đăng thảo luận