Nguyễn Hùng Phúc cùng em trai ban ngày đi học, đêm chạy xe ôm công nghệ đến sáng để có tiền chăm sóc, nuôi nấng đàn cháu mồ côi cha mẹ.
Gánh nặng cơm áo
Ngồi trong ngôi nhà rộng hơn 8m2, Nguyễn Hùng Phúc (25 tuổi, quận 10, TPHCM) xúc động xem lại những tấm ảnh chụp tiệc sinh nhật của đứa cháu mồ côi. Dù khó khăn chồng chất, Phúc vẫn cố gắng mua cho bé chiếc bánh kem xinh xắn.
Cuối ngày, Hùng Phúc (áo đen) dành ít phút chăm sóc các cháu, rồi ra đường chạy xe ôm công nghệ. Ảnh: Hà NguyễnNăm 2021, chị gái của Phúc đến bệnh viện sinh con giữa lúc dịch Covid-19 đang căng thẳng. Sau 2 tuần sinh mổ bé gái, chị qua đời ở tuổi 33 vì dịch bệnh. Trước đó 1 tuần, chồng chị cũng mất tại một bệnh viện.
Phúc kể: “Đó là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình. Ngày chị gái mất trong bệnh viện cũng là lúc tôi và ba đi cách ly. Sau thời gian cách ly, ba tôi đến bệnh viện nhận tro cốt chị về lập bàn thờ, rồi đến khoa sơ sinh nhận cháu về chăm sóc.
Bé sinh ra trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nên ba mẹ tôi đặt tên là Nhật Vy. Vy sinh ra đã mất cả cha lẫn mẹ nên gia đình dành cho cháu nhiều tình yêu thương. Hiện cháu đã được 3 tuổi, sắp vào mẫu giáo rồi”.
Trong khi vợ dọn phòng trên gác, ông Hùng chuẩn bị cơm nước cho 4 đứa cháu ngoại mồ côi. Ảnh: Hà NguyễnTrước khi qua đời vì Covid-19, chị gái của Phúc đã trải qua 3 cuộc hôn nhân và có 4 người con gồm: N.Y., N.P., T.N. và bé Nhật Vy. Trong đó, N.Y. và N.P. cùng mẹ khác cha. T.N. và Nhật Vy cùng mẹ cùng cha.
Hiện đa số các bé sống chung với ông bà ngoại. Thương cha mẹ, thương các cháu, Phúc quyết định vừa học vừa làm để phụ gia đình. Ban ngày đi học, tối đến Phúc chạy xe ôm từ 21h đến 5 - 6h hôm sau.
Mỗi lần ra đường chạy xe, Phúc cố gắng đạt thu nhập khoảng 500.000 đồng để đủ chi phí gửi cha mẹ lo trang trải sinh hoạt, nuôi đàn cháu nhỏ.
“Người trong gia đình phải thương yêu nhau”
Những nỗ lực không ngừng của Phúc cùng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cộng đồng đã giúp 4 đứa trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Các cháu của Phúc đều được đến trường. Hiện bé lớn nhất đã vào lớp 10, bé thứ 2 học lớp 7, bé thứ 3 học lớp 2. Riêng bé Vy vừa tròn 3 tuổi, chuẩn bị được cậu Phúc cùng ông bà ngoại cho đi học mầm non.
Suốt thời gian qua, gánh nặng cơm áo gạo tiền, chăm nuôi 4 cháu nhỏ vẫn đè nặng lên đôi vai Phúc.
Vì mắc bệnh nhồi máu cơ tim, ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi, cha của Phúc) đành nghỉ nghề tài xế ở nhà giúp vợ, chăm sóc cháu ngoại. Bà Lư Tuyết Thủy (62 tuổi, mẹ Phúc) cũng nghỉ làm tạp vụ để chăm sóc cháu.
Đón các cháu ngoại về chăm sóc, căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Hùng vốn đã chật hẹp nay càng bức bí.
Để có không gian cho con, cháu sinh hoạt, ông mua sắt, làm gác lên phía trên. Bốn mặt căn gác được ốp tôn khiến căn nhà trông từ xa như thùng container dựng đứng.
Bé Nhật Vy gọi vợ chồng ông Hùng là ba, mẹ. Ảnh: Hà NguyễnPhúc chia sẻ: “Lúc gia đình khó khăn nhất, chúng tôi được địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ tiền, quà cho các cháu nhỏ. Địa phương cũng hỗ trợ, cấp sổ hộ nghèo cho gia đình. Năm ngoái, gia đình tôi đã được xóa hộ nghèo.
Mạnh thường quân cũng hỗ trợ gia đình tôi một số tiền. Số tiền ấy, tôi giao hết cho ba mẹ. Ba mẹ trích một phần nhỏ để sửa nhà, làm chỗ sinh hoạt cho các cháu. Số còn lại, ba mẹ gửi tiết kiệm, chi tiêu sinh hoạt.
Về phần mình, tôi vẫn vừa đi học ở trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TPHCM vừa chạy xe ôm công nghệ vào ban đêm. Sau khi đi học về, tôi nghỉ ngơi một chút. Khoảng 21h, tôi ra đường chạy xe.
Những ngày không phải đến trường, tôi tranh thủ chạy nhiều hơn. Lúc chưa quen thức đêm, tôi rất mệt. Nhưng thức đêm nhiều rồi, cơ thể cũng quen, tôi không còn cảm thấy đuối sức nữa.
Ngoài ra, tôi có em trai đang học năm thứ 3 đại học. Em ấy cũng tranh thủ chạy xe ôm công nghệ vào đêm khuya để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình”.
Phúc cho biết, trong giai đoạn khó khăn nhất của gia đình, nhiều người ngỏ lời nhận bé Vy làm con nuôi nhưng nam thanh niên không đồng ý. Ảnh: Hà NguyễnNam thanh niên tâm sự: “Trước đây, khi biết anh em tôi phải chạy xe ôm xuyên đêm để nuôi các cháu, nhiều người muốn nhận bé Vy về làm con nuôi. Tuy nhiên, tôi không đồng ý vì nghĩ mình còn sức khỏe, còn có thể lo cho cháu.
Các cháu là máu mủ, gia đình của tôi, người trong gia đình thì nhất định phải thương yêu nhau. Tôi không đành lòng để anh, chị, em các cháu của mình chia cắt.
Tôi nghĩ mỗi người mỗi số phận nên không cảm thấy buồn hay mệt mỏi khi phải chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu của mình. Với tôi, hạnh phúc của gia đình chính là hạnh phúc của bản thân”.
Cha của Phúc cho biết, hiện cuộc sống gia đình đều trông chờ vào thu nhập của anh em Phúc. Dù muốn hỗ trợ 2 con lao động nhưng vì bệnh tật, sức khỏe yếu, ông phải nghỉ ở nhà, phụ giúp vợ chăm cháu ngoại.
Vợ chồng ông Hùng tâm sự rằng dẫu có khó khăn, gia đình vẫn cố gắng chăm, nuôi đàn cháu mồ côi thành người. Ảnh: Hà NguyễnÔng Hùng nói: “Tôi sinh được 3 người con, chị gái Phúc là con gái đầu lòng. Khi vợ chồng con gái mất vì Covid-19, chúng tôi đau đớn, suy sụp. Nhưng nghĩ đến đàn cháu mồ côi, chúng tôi gắng gượng sống tiếp.
Sau này, anh em Phúc nỗ lực làm việc, tạo thu nhập để nuôi gia đình.
Bốn cháu ngoại của tôi đều có hoàn cảnh đáng thương. Bé đầu nay 15 tuổi, học lớp 10. Bé còn cha nhưng ở với gia đình tôi từ lúc lọt lòng. Sau dịch, cháu được gia đình bên nội nhận về chăm sóc.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hỗ trợ cháu cơm nước hàng ngày vì cháu theo hộ khẩu của gia đình nên đi học gần nhà tôi. Ban ngày cháu sinh hoạt, ăn uống ở đây, tối mới về nhà nội. Gia đình hỗ trợ một phần học phí cho cháu.
Từ 21h, Phúc lại ra đường chạy xe ôm công nghệ xuyên đêm để có tiền nuôi đàn cháu mồ côi. Ảnh: Nhân vật cung cấpCháu thứ 2 cũng còn cha. Nhưng cha cháu đã có gia đình riêng, đông con. Cháu học gần nhà tôi, sau khi học cháu về đây cơm nước. Phúc hỗ trợ cho cháu tiền học phí.
Hai cháu T.N. và Nhật Vy do chúng tôi và anh em Phúc nuôi dưỡng.
Ở nhà, Phúc rất thương các cháu. Thường ngày đi học, đi làm về, Phúc hay mua quà, bánh cho các cháu nhỏ. Mỗi khi có thời gian, Phúc cũng vui đùa, phụ giúp vợ chồng tôi chăm các cháu.
Còn tôi, ngoài giúp chăm bé Vy, tôi nhận nhiệm vụ đưa đón các cháu đi học. Chúng tôi cũng trao đổi, thống nhất với Phúc rằng nếu giúp đỡ được gì cho các cháu ngoại thì gia đình nhất định cố gắng thực hiện”.
Đăng thảo luận