Ông Lý Hiển Dương - con trai út của người sáng lập Singapore Lý Quang Diệu - sẽ nộp đơn xin phá dỡ ngôi nhà số 38 đường Oxley, nơi từng là nhà của cha ông.
Một góc ngôi nhà số 38 đường Oxley, từng là nơi sinh sống của cố thủ tướng Lý Quang Diệu - Ảnh: CNA
Ngôi nhà số 38 đường Oxley là nơi ở của cố thủ tướng Lý Quang Diệu từ giữa những năm 1940 đến khi ông qua đời vào năm 2015, đồng thời cũng là nhà của tiến sĩ Lý Vỹ Linh, con gái ông - người đã qua đời vào tuần trước.
“Để tôn vinh di nguyện cuối cùng của cha mẹ tôi, tôi xin phá dỡ ngôi nhà ở số 38 đường Oxley, sau đó sẽ xây dựng một ngôi nhà nhỏ riêng thuộc sở hữu của gia đình vĩnh viễn”, ông Lý Hiển Dương viết trong một bài đăng trên Facebook.
Ông Lý Hiển Dương cho biết ông là “chủ sở hữu hợp pháp duy nhất của ngôi nhà số 38 đường Oxley”. Sau khi chị gái Lý Vỹ Linh qua đời, ông là “người thi hành di chúc duy nhất còn sống” đối với các bất động sản của ông Lý Quang Diệu.
“Theo di chúc, ông ấy (cố thủ tướng Lý Quang Diệu) có di nguyện phá dỡ ngôi nhà ngay sau khi bà Vỹ Linh ra đi. Tôi có nhiệm vụ thực hiện di nguyện của ông theo đúng luật pháp”, ông Lý Hiển Dương viết thêm.
Bóng tối trong đệ nhất gia tộc Singapore có thể hóa giải sau khi bà Lý Vỹ Linh qua đời?
Bà Lý Vỹ Linh, con gái ông Lý Quang Diệu, qua đời
Trong bài chia sẻ, ông Lý Hiển Dương cũng nhắc lại việc cựu thủ tướng Lý Hiển Long - anh trai của ông - từng phát biểu tại Quốc hội Singapore vào năm 2015 rằng sau khi bà Lý Vỹ Linh qua đời, chính phủ sẽ có quyền quyết định xem có nên phá dỡ ngôi nhà hay không.
Đài Channel New Asia cho biết căn nhà của ông Lý Quang Diệu trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi ông qua đời vào năm 2015.
Anh em nhà họ Lý bất đồng gay gắt trong nhiều năm liên quan di chúc ông Lý Quang Diệu. Tranh chấp xoay quanh việc nên làm gì với ngôi nhà của người cha quá cố.
Năm 2017, ông Lý Hiển Dương và bà Lý Vỹ Linh công khai mâu thuẫn với anh trai mình, khi đó là thủ tướng đương nhiệm của Singapore, cáo buộc ông Lý Hiển Long lạm dụng quyền lực để ngăn cản nỗ lực phá dỡ ngôi nhà gỗ của gia đình theo di nguyện của cha họ.
Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long bác bỏ cáo buộc rằng ông muốn giữ nguyên vẹn ngôi nhà gỗ để duy trì di sản thể hiện sự tôn kính mà người dân Singapore vẫn dành cho ông Lý Quang Diệu.
Trong di chúc, ông Lý Quang Diệu có di nguyện phá dỡ ngôi nhà của gia đình. Trong trường hợp không thể thực hiện được, tài sản này chỉ mở cửa cho gia đình và hậu duệ của họ.
Đăng thảo luận