Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT Phú Thọ sớm có phương án tháo dỡ cầu Phong Châu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tháo dỡ các nhịp thép.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT Phú Thọ phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện phương án phân luồng giao thông thủy qua khu vực cầu Phong Châu và triển khai công tác rào chắn xung quanh khu vực nhịp giàn thép số 5 và các nhịp còn lại của cầu.

Theo chỉ đạo, Sở GTVT Phú Thọ phải bố trí tổ chức trực chốt, hướng dẫn và ngăn ngừa người dân đi vào khu vực đã được rào chắn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Khẩn trương nghiên cứu phương án và sớm có giải pháp dỡ nhịp giàn thép số 5 và các nhịp còn lại theo hướng bảo đảm an toàn cho lực lượng tháo dỡ, công tác tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, khái toán kinh phí tháo dỡ nhịp giàn thép này và các nhịp còn lại phù hợp phương án, giải pháp đề xuất.

Cục Đường bộ yêu cầu Sở GTVT Phú Thọ sớm có phương án tháo dỡ Phong Châu  第1张 Lực lượng chức năng tiến hành trục vớt phần cầu Phong Châu bị sập. Ảnh: Đức Hoàng

Sở GTVT tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm xin ý kiến Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Phú Thọ về phương án, giải pháp tháo dỡ nhịp giàn thép số 5 và các nhịp còn lại của cầu Phong Châu.

Song song đó, địa phương cũng khẩn trương báo cáo và đề nghị Bộ GTVT công bố bổ sung tình huống khẩn cấp để có cơ sở pháp lý ban hành bổ sung Lệnh xây dựng dự án khẩn cấp cho hạng mục tháo dỡ nhịp giàn thép số 5 và các nhịp còn lại của cầu Phong Châu.

Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã nhận được báo cáo phương án thi công trục vớt phần cầu sập. Cụ thể, đối với các phương tiện bị chìm nằm ngoài nhịp giàn thép sẽ được trục vớt ngay, đưa về gần bờ và được nâng nhấc vào bãi tập kết bằng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn.

Với các phương tiện bị kẹt trong giàn thép, không thể trục vớt ngay, đơn vị thi công sẽ dùng cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ và 2 tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc giàn thép lên khỏi mặt nước, cắt từng nhịp.

Tàu lai dắt sẽ đưa từng nhịp giàn thép vào bờ và dùng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn trên bờ nâng, nhấc, đặt vào khu vực bãi tập kết. Quá trình cắt các nhịp dàn thép, đơn vị thi công cũng đồng thời đưa phương tiện kẹt bên trong ra ngoài và kéo vào bờ.

Với nhịp giàn thép và phương tiện bị bồi lấp sâu dưới lớp cát, phù sa, đơn vị thi công sẽ sử dụng vòi xối, hút để loại bỏ lớp cát, phù sa bồi lấp trước khi trục vớt.

Đối với bê tông mặt cầu, trụ cầu, cọc, bệ mố chìm dưới nước, nhà thầu sẽ dùng cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ và 2 tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc lên mặt nước. Phần bê tông nhô lên đến đâu, máy xúc lắp đầu đục bê tông đặt trên tàu sẽ phá dỡ.

Như VietNamNet đã đưa tin, do ảnh hưởng bão, lúc 10h02 ngày 9/9 đã xảy ra vụ sập cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7). Thời điểm cầu sập, có 8 xe gặp nạn gồm: 1 xe tải, 1 xe con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện.