Chiều 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Công an trình bày Tờ trình về Dự án Luật Dữ liệu.

Thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân)… Qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội.

Dự án Luật Dữ liệu: làm rõ phương ứng phó nguy cơ lộ lọt thông tin  第1张 Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Công an trình bày Tờ trình về Dự án Luật Dữ liệu

Còn ở nước ta, đến nay bước đầu khởi tạo và hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...

 

Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương, 67 điều. Luật quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

Qua rà soát, hiện có 69 Luật có quy định về cơ sở dữ liệu (bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành). Tuy vậy, trong các luật trên, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.

Đặc biệt, tất cả các luật đều không quy định cụ thể, thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu; chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành…

Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng. Nó được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.

Dự án Luật Dữ liệu: làm rõ phương ứng phó nguy cơ lộ lọt thông tin  第2张

“Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin” – Đại tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng nhấn mạnh 4 mục đích ban hành luật này. Cụ thể gồm: tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia..

Dự thảo Luật dành riêng một chương để quy định về xây dựng và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia. Trung tâm dữ liệu quốc gia có trách nhiệm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, phân tích, khai thác dữ liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội theo quy định pháp luật nhằm tạo lập, quản trị cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Đồng thời, giám sát việc bảo đảm chất lượng dữ liệu, hoạt động điều phối dữ liệu; xây dựng các hệ thống chỉ số đo lường và đánh giá hiệu suất cho hoạt động quản trị dữ liệu. Thực hiện các quy định pháp luật trong việc sử dụng mật mã để bảo mật dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước được lưu giữ, trao đổi trên không gian mạng; tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về dữ liệu; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin...

Dự kiến, việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ do Chính phủ quyết định theo thẩm quyền và đây sẽ là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ thu hút, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện vận hành, quản trị hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong quản trị dữ liệu.

Tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, Báo cáo đánh giá tác động cơ bản đánh giá rõ các chính sách được đề nghị xây dựng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Dự án Luật Dữ liệu: làm rõ phương ứng phó nguy cơ lộ lọt thông tin  第3张 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Dữ liệu

“Có ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin nên cần xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp” – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thông tin.

Cơ bản nhất trí với quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, việc này sẽ giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực hạ tầng, công nghệ; giải quyết vấn đề hạn chế của các hệ thống thông tin, của việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan; tăng cường hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý nhà nước; tiết kiệm nguồn lực đầu tư…

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ, tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Cùng đó, việc tập trung khối lượng lớn thông tin dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia bên cạnh những ưu điểm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin. Vì thế, có ý kiến đề nghị báo cáo làm rõ thêm các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh.

Có ý kiến cho rằng, thực tế đã xảy ra một số sự cố đối với trung tâm dữ liệu quốc gia, dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong một thời điểm nhất định.

"Để bảo đảm chủ động cho hoạt động thường xuyên, liên tục của việc kết nối dữ liệu và giảm tối đa thiệt hại về kinh tế cho đất nước, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định về Trung tâm dự phòng dữ liệu quốc gia” – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh.