Năm 2005, sau khi phát hiện khoảng 4.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật trên cả nước, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) thực hiện một chiến dịch nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng này.
Ngay từ bước khởi đầu, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 02/2005/QĐ-BNN về quản lý gấu nuôi nhốt. Theo đó, tất cả các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt phải được gắn chíp điện tử để nhận dạng và quản lý. Các cá thể gấu không có đăng ký, gắn chíp sẽ bị tịch thu. Hoạt động đăng ký quản lý và gắn chíp gấu đã được hoàn thành vào năm 2006.
Chiến dịch chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật còn có sự tham gia của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), Tổ chức Four Paws và Free The Bears. Các tổ chức này đồng hành trong công tác cứu hộ gấu, hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật xử lý vi phạm về gấu, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ mật gấu và kêu gọi các chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.
Ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, được ghi nhận vì những đóng góp tích cực trong bảo vệ gấu.Sau gần 20 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm 95% từ khoảng 4.000 cá thể năm 2005 còn 192 cá thể tại 60 trại gấu tính đến hết tháng 8/2024. Hiện, 46/63 tỉnh thành đã không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật.
Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, TP trên cả nước đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ dần hoạt động nuôi gấu lấy mật thông qua các hoạt động đăng ký, gắn chíp, thường xuyên theo dõi số gấu bị nuôi nhốt cũng như đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ gấu.
Một số ví dụ điển hình như những nỗ lực bền bỉ của cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng trong việc thuyết phục các chủ gấu chuyển giao gấu, đưa tỉnh này trở thành một trong những tỉnh thành đầu tiên không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật.
Đại diện ENV khuyến nghị các địa phương còn gấu bị nuôi nhốt tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp nuôi nhốt, buôn bán trái phép gấu, mật gấu và các sản phẩm, bộ phận từ gấu.
Các cơ quan chức năng cần nỗ lực khuyến khích các chủ gấu còn lại tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không cần “bồi thường”. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần kịp thời xử lý những hoạt động quảng cáo, buôn bán trái phép gấu, mật gấu và sản phẩm, bộ phận khác từ gấu đang phát triển mạnh mẽ trên internet, đặc biệt là thông qua các mạng xã hội như Facebook.
Đăng thảo luận