NSND Kim Xuân mong muốn người dân có cái nhìn tích cực và bao dung hơn, bởi hiện nay HIV/AIDS không còn là 'căn bệnh thế kỷ' nếu được điều trị đúng cách.
Dàn ban giám khảo (từ trái qua): Lê Hồng Lâm, NSND Kim Xuân, Jeremy Segay, Ngọc Duyên, Nguyễn Anh Phong - Ảnh: BTC
Chiều 27-9, tại TP.HCM diễn ra chương trình tổng kết chuỗi workshop cung cấp kiến thức về làm phim mang tên Kính vạn hoa và vinh danh 6 tác phẩm có ý nghĩa và nhân văn về HIV/AIDS, mang lại giá trị tinh thần cho xã hội, đặc biệt là cộng đồng người có H.
Dàn ban giám khảo gồm: NSND Kim Xuân, đạo diễn Ngọc Duyên, nhà báo/nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, Phó chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM Nguyễn Anh Phong, Tùy viên nghe nhìn từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Đông Nam Á - Jeremy Segay.
HIV/AIDS - Chuyện không của riêng ai
Với thông điệp chủ đề “HIV - Chuyện không của riêng ai”, dự án thu hút nhiều bạn trẻ đam mê truyền thông, điện ảnh và công tác xã hội.
Từ sinh viên, nhân viên công tác tại cộng đồng HIV/AIDS cho đến những đạo diễn, biên kịch, quay phim chuyên nghiệp.
Đó là các tác phẩm gồm: Đỏ, Lời ru ở lại, Tâm, Chị em chúng mình, Trên tường có bông hoa đang nở, Viết tiếp câu chuyện dang dở.
NSND Kim Xuân chia sẻ cảm nghĩ về dự án Kính vạn hoa - Ảnh: THƯỢNG KHẢI
NSND Kim Xuân chia sẻ: "Chúng tôi đã đồng hành cùng chương trình Dải băng đỏ suốt nhiều năm với mong muốn gửi đi thông điệp đến cộng đồng người có H và các thế hệ trẻ rằng, ngày nay HIV/AIDS không còn là căn bệnh nan y của thế kỷ nữa.
Thậm chí, cách chữa trị có phác đồ nhẹ nhàng hơn những căn bệnh khác như ung thư”.
Nhắc đến HIV, người ta thường rập khuôn với những câu chuyện mang màu sắc u ám, nhưng với các phim ngắn tại Kính vạn hoa, thông điệp này truyền tải dưới góc nhìn tích cực và tươi sáng hơn.
Dù kịch bản có câu chuyện và thông điệp ý nghĩa, nhưng sau khi xem 6 phim ngắn, dàn ban giám khảo đều có chung quan điểm rằng các nhóm làm phim chưa có nhiều kinh nghiệm, sản xuất theo hướng chủ quan mà chưa đặt mình vào vị trí người xem.
Mặt khác, đối với Phó chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM Nguyễn Anh Phong, thành công lớn nhất của dự án Kính vạn hoa là thế hệ trẻ chịu ngồi xuống nghe và tìm hiểu những kiến thức về HIV/AIDS.
Ông nhận thấy dự án đã vượt qua rào cản định kiến xã hội, đưa thông tin một cách nhẹ nhàng và thân thiện thông qua các buổi workshop, thảo luận và truyền thông trực tuyến.
Chính nhờ những phương pháp này, các bạn trẻ không chỉ hiểu về căn bệnh mà còn học cách bảo vệ bản thân, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc phòng chống HIV/AIDS.
Nghĩa Kao (thứ hai từ trái qua) và các thành viên trong nhóm làm phim Chị em chúng mình - Ảnh: BTC
Kết quả giải nhất thuộc về phim Chị em chúng mình. Nội dung xoay quanh một chàng trai bị nhiễm HIV nhưng không có đủ can đảm thổ lộ với gia đình. Nhưng may mắn, anh có người chị đồng hành, chia sẻ những điều khó khăn trong cuộc sống.
Nghĩa Kao - đạo diễn của phim Chị em chúng mình - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Trong quá trình gắn bó với Kính vạn hoa, là những người trẻ, tôi cảm thấy căn bệnh HIV/AIDS rất bình thường.
Vấn đề nằm ở chính cách chúng ta nhìn nhận nó. Nếu mỗi người đều tiếp cận với tinh thần tích cực và chung tay kết nối, xã hội sẽ ngày càng trở nên văn minh và tốt đẹp hơn".
Dự án Kính vạn hoa là sân chơi cho các bạn trẻ yêu thích điện ảnh, truyền thông và hoạt động xã hội.Với góc nhìn đa chiều từ chiếc kính vạn hoa về cuộc sống, dự án muốn mang đến nhiều giá trị tích cực cho xã hội, đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng đối với HIV/AIDS.
Đăng thảo luận