Lao động nghèo lương 5 triệu lo không có dư, chuyên gia "mách" cách đầu tư
(Dân trí) - "Thu nhập của tôi chỉ 5-10 triệu đồng/tháng, mua vàng thì không đủ sức, gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp. Nếu cứ như vậy, cả đời chắc không mua được tài sản gì", chị Nhung, nhân viên văn phòng, tâm sự.
Tiền để đó là hết
Làm việc cho một công ty văn phòng phẩm được 2 năm, chị Hồng Nhung (26 tuổi, ngụ tại quận 6, TPHCM) cho hay đến giờ, bản thân vẫn chưa tích cóp được bất kỳ khoản tiền nào.
Thu nhập của chị là 5,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ tiền ở, ăn, uống và các khoản phát sinh khác, chị dư được 200-300.000 đồng. Số tiền dư dả quá ít, chị dùng đó để mua quần áo hoặc đi ăn sang một bữa cho hết, vì ngẫm thấy cũng không đầu tư được gì.
Nhân viên văn phòng thu nhập thấp ngao ngán vì không biết đầu tư vào đâu để có dư (Ảnh: S.T.).
Chị bộc bạch ngày biết chị làm công việc lương thấp, gia đình chị lắc đầu ngao ngán vì nghĩ con gái sẽ mãi dậm chân tại chỗ và khó có thể làm giàu.
Như bao người lao động khác, chị luôn tự đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng: "Đến bao giờ mới đủ tiền mua nhà ở thành phố", trong khi việc khởi nghiệp luôn là thứ quá sức.
"Thấy bạn bè lấy tiền đầu tư đủ thứ, từ mua vàng, chơi chứng khoán,… bản thân cũng nôn nao nhưng nhìn lại tiền ít quá, không làm gì được. Quanh quẩn vài năm trôi qua, nhìn lại bản thân không có tiền, không có tài sản, chỉ có một công việc tạm để bản thân không trở thành một người thất nghiệp", chị nói.
Đồng cảm với chị Nhung, anh Minh Thắng (27 tuổi, ngụ quận 7) cho biết anh là nhân viên trong công ty truyền thông, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.
Nhiều người "đu" cơn sốt vàng nhưng sau một khoảng thời gian lại trở nên mệt mỏi và không đủ sức (Ảnh minh họa: Sixthtone).
Cứ 2 tháng nhận lương, anh luôn bấm bụng chạy ra tiệm vàng để mua 1 chỉ để đu cơn "sốt". Nhưng kế hoạch chỉ chạy được 4 lần, anh đành phải dừng lại vì tâm trí ngày nào cũng nghĩ đến bảng giá vàng.
"Lãi không bao nhiêu mà ngày nào cũng bị phân tâm. Thôi thì tôi đành không đầu tư vàng nữa, để tiền gửi tiết kiệm. Vậy mà gửi tiết kiệm cũng không lãi được bao nhiêu. Bây giờ cứ dư được vài triệu, để đó không làm gì thì không biết đến bao giờ mới giàu nổi", anh bộc bạch.
Nên biết "khẩu vị rủi ro" của bản thân
Tại hội thảo "Triển vọng thị trường và chiến lược đầu tư" do Ngân hàng UOB tổ chức, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ - Tập đoàn UOB, đã chia sẻ nhiều lời khuyên đầu tư dành cho người lao động.
Theo ông Quang, đối với người lao động có thu nhập tương đối ổn định, chẳng hạn như nhân viên văn phòng, nếu muốn đầu tư thì trước tiên phải xác định mức chi phí trong cuộc sống.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ - Tập đoàn UOB (Ảnh: Nguyễn Vy).
"Người đó cần hiểu rõ rằng tiền mình làm ra có đủ chi cho các khoản trong cuộc sống không, có đang phải lo lắng, chu cấp tài chính cho gia đình không. Nếu còn những gánh nặng đó thì phải suy nghĩ lại, tìm cách học hỏi làm sao tăng thu nhập để có một khoản dư, bất kể là bao nhiêu", ông Quang nói.
Khi đã có khoản dư, lao động trẻ phải đầu tư để sinh lời. Khi ấy, cần phải suy nghĩ thật kỹ giữa loại hình đầu tư "rủi ro ít đi kèm với lợi nhuận không cao" và kiểu "liều ăn nhiều".
Ông Quang ví dụ, mặc dù vàng đang "sốt" nhưng nó không nên là kênh được ưu tiên. Bởi vàng chỉ mang tính chất đầu cơ, chờ lên giá để bán mà không mang lại dòng tiền hằng tháng cho người đầu tư. Vì thế, đầu tư các kênh an toàn là điều thích hợp hơn dành cho người lao động.
Cũng theo vị chuyên gia, người lao động thu nhập tương đối có thể quan tâm đến những loại hình đầu tư như tiền gửi tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu. Những kênh đầu tư này có thể tạo thu nhập hằng tháng, đồng thời không mang rủi ro lớn hay đòi hỏi người lao động có quá nhiều tiền.
Từ đó, khi đã thành công nhận lại phần lãi, họ có thể tăng "khẩu vị rủi ro", dùng kinh nghiệm đầu tư và dần dà tìm hiểu các kênh đầu tư "liều ăn nhiều" khác.
Nếu người lao động từng bước kiên trì, nhẫn nại và tích lũy từng bước thì cơ hội làm giàu với "bước chân nhỏ nhắn" ấy là điều không phải không thể xảy ra.
Ông Quang nhấn mạnh khởi nghiệp thời điểm này là rất thử thách. Bởi khởi nghiệp là kênh đầu tư có rủi ro rất lớn. Người trẻ phải chấp nhận chuyện không có thu nhập trong 1-2 năm đầu tiên, không có quỹ khẩn cấp để nghĩ đến chuyện đầu tư cho những kênh khác.
Dự báo về tình hình sắp tới, ông Quang nhận định thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực, khả quan nên các nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng.
Theo ông Abel Lim, Giám đốc tư vấn và chiến lược quản lý tài sản UOB, lợi thế đầu tư của người trẻ chính là tuổi trẻ. Bởi họ có nhiều thời gian và công cụ đáp ứng cơ hội tìm hiểu các thông tin về thị trường.
Ông Abel Lim, Giám đốc tư vấn và chiến lược quản lý tài sản - Tập đoàn UOB (Ảnh: Nguyễn Vy).
Nguyên tắc đầu tư chính là vào thời điểm khi người lao động nhận lương, họ cần phân chia, trích ra một khoản để đầu tư vào thị trường. Quá trình này cần thời gian, kiến thức và kế hoạch.
"Người lao động chuẩn bị một quỹ khẩn cấp được tích cóp sau nhiều năm đi làm. Thông thường, các nhà đầu tư trẻ không xác định được mục tiêu và khẩu vị rủi ro, vì thế cứ cố tìm lợi thế trên thị trường mà vô tình bỏ lỡ các cơ hội. Cứ khoảng 10 lần bỏ lỡ, giá trị giao dịch đã giảm 50%
Ngày nay, người ta cho rằng lãi gộp là thứ mang nhiều tiềm năng. Vì thế, các nhà đầu tư trẻ cần phải hiểu, biết và tận dụng nó ", ông nói.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) Việt Nam quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023.
Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao.
Đăng thảo luận