Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy bệnh nhân được bác sĩ cho số điện thoại để liên lạc, được tư vấn với bác sĩ qua video call thì bệnh nhân suy tim sẽ giảm được tỉ lệ tái khám bất thường, cũng như nhập viện cấp cứu.

'Mẹo' đơn giản cứu nhiều bệnh nhân suy tim  第1张

Bác sĩ Kha hướng dẫn học viên cách điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: T.H.

Chỉ cần được bác sĩ tư vấn, tỉ lệ nhập viện sẽ giảm. ThS Nguyễn Minh Kha - giảng viên bộ môn nội tổng quát (Đại học Y Dược TP.HCM) - khẳng định tại Hội nghị khoa học năm 2024 do Bệnh viện quận Tân Phú, TP.HCM tổ chức ngày 18-10.

"Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy bệnh nhân được bác sĩ cho số điện thoại để liên lạc, được tư vấn với bác sĩ qua video call thì bệnh nhân suy tim sẽ giảm được tỉ lệ tái khám bất thường cũng như nhập viện cấp cứu.

Nhân viên y tế là những siêu anh hùng đối với bệnh nhân suy tim, có thể ngăn ngừa tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân suy tim", bác sĩ Kha thông tin.

Đây không chỉ là xu hướng trên thế giới, mà tại Việt Nam với sự phát triển của điện thoại thông minh, kết nối giữa bác sĩ với bệnh nhân rất quan trọng, đôi khi là then chốt để quyết định thành bại trong điều trị.

Bác sĩ Kha giải thích rằng có sự kết nối tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân, bệnh nhân sẽ tin tưởng bác sĩ. Khi bệnh nhân có thay đổi gì về bệnh sẽ lập tức kết nối với bác sĩ của mình qua tin nhắn, video call hoặc gặp trực tiếp, để bác sĩ kịp thời đưa ra lời khuyên dành cho bệnh nhân.

Tùy từng trường hợp, có bệnh nhân cần thay đổi liều thuốc điều trị, có bệnh nhân nên đến khám sớm hơn, thậm chí nhập viện cấp cứu.

Dù nhiều bệnh nhân mong muốn được kết nối tốt hơn với bác sĩ, nhưng hiện vẫn có những "rào cản" trong quá trình kết nối này. Vì một bác sĩ hiện theo dõi rất nhiều bệnh nhân hoặc môi trường làm việc quá tải đã làm bác sĩ kết nối với bệnh nhân chưa tốt, chưa đạt được những mong muốn của người bệnh.

Để bác sĩ và bệnh nhân liên lạc được tốt hơn, theo bác sĩ Kha, cần xuất phát từ hai phía.

Phía bác sĩ cần được hỗ trợ về thời gian, có nhận thức tốt hơn về vai trò của người bác sĩ đối với bệnh nhân...

Còn phía người bệnh được hướng dẫn tự theo dõi triệu chứng, được trang bị những công cụ hỗ trợ như điện thoại thông minh, các app cảnh báo để khi bệnh nhân có triệu chứng họ nhắn vào và app đó sẽ báo đến bác sĩ có bệnh nhân cần kết nối.

Bác sĩ trong 1-2 giờ sau sẽ liên lạc lại với bệnh nhân nếu tình huống không khẩn cấp.

Nhiều bệnh nhân suy tim thích ăn mặn làm bệnh nặng hơn

Thực tế trong quá trình công tác và điều trị những bệnh nhân suy tim, bác sĩ Kha cho biết thói quen thích ăn mặn, thích gia vị, ăn nước mắm nhiều của người Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị bệnh nhân suy tim.

Khi bệnh nhân sử dụng một lượng gia vị nhiều như vậy sẽ dẫn đến tích nước trong cơ thể, đôi khi sẽ thúc đẩy tình trạng suy tim mất kiểm soát và là một trong những yếu tố khiến bệnh nhân phải nhập viện vì quá tải thể tích tuần hoàn do thừa muối và dư nước.

Không ít bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh suy tim lại không tuân thủ theo chế độ bệnh viện mà ăn mì tôm, chà bông, chả lụa, cơm tấm với nước mắm...

Với chế độ ăn như vậy, rất dễ dẫn đến quá tải dịch qua ứ muối nước làm tình trạng suy tim chậm cải thiện, thậm chí nặng hơn.

Bên cạnh việc tuân thủ điều trị, bác sĩ Kha khuyên những bệnh nhân mắc bệnh tim cần có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp, giảm stress, đồng thời phải chích ngừa vắc xin cúm, phế cầu theo khuyến cáo.