TP.HCM là trung tâm kinh tế, khoa học và văn hóa lớn của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu và hội nhập quốc tế.
Hình ảnh đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng giao thông trong khu công nghiệp
Với hệ thống giao thông phức tạp, gồm hơn 4.200km đường giao thông chính cùng với hàng ngàn km đường đi lại trong các khu phố và hẻm nhỏ, nhu cầu chiếu sáng đường phố để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự là một nhiệm vụ quan trọng.
Hiện nay hệ thống chiếu sáng công cộng của thành phố do Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM quản lý bao gồm 110.900 điểm sáng của hơn 3.800km chiều dài tuyến đường, với mức tiêu thụ điện hằng năm từ 120 - 150 triệu kWh.
TIN LIÊN QUANChiếu sáng cho một ngôi nhà 100m², cấp 4 ở Đà Lạt
Chiếu sáng con đường hướng đến sự bền vững cho công viên và sân chơi tại TP.HCM
Chiếu sáng cho hồ Con Rùa: Bản giao hưởng của nước và ánh sáng
Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng dân lập thuộc quận huyện quản lý cũng bao gồm 200.000 bộ đèn, với tổng công suất gần 11.000kW, tiêu thụ gần 50 triệu kWh mỗi năm.
Trước yêu cầu chuyển đổi xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, TP.HCM cần đưa ra các giải pháp chiếu sáng tiết kiệm điện, an toàn và thân thiện với môi trường.
Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành chiếu sáng của thành phố áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm thiểu lượng phát thải carbon, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26.
Một trong những giải pháp khả thi là sử dụng đèn năng lượng mặt trời. Đèn năng lượng mặt trời ngày nay đã được cải tiến về chất lượng với chip LED hiệu suất cao lên đến 250 lm/W, đồng thời có thiết kế thẩm mỹ và đa dạng chủng loại phù hợp với nhiều mục đích chiếu sáng khác nhau.
Ngoài ra, việc tích hợp công nghệ IoT (Internet vạn vật) giúp quản lý chiếu sáng hiệu quả, như tự động điều chỉnh độ sáng sau giờ cao điểm, từ 100% xuống 50%, nhằm tiết kiệm điện.
Hình ảnh đèn năng lượng mặt trời đường giao thông khu du lịch
Đèn năng lượng mặt trời có cấu tạo đơn giản, bao gồm tấm pin quang điện, pin lithium lưu trữ điện và chip LED có tuổi thọ cao từ 50.000 - 100.000 giờ.
Hệ thống điều khiển tiên tiến giúp điều chỉnh độ sáng tùy theo điều kiện cụ thể, nhờ vào công nghệ ALS (Adaptive Lighting System), giúp đèn hoạt động ổn định mà vẫn tiết kiệm năng lượng.
Lắp đặt đèn năng lượng mặt trời cũng dễ dàng hơn so với đèn điện truyền thống, với yêu cầu bệ móng và trụ đèn, giảm thiểu các công đoạn phức tạp và chi phí liên quan.
Mẫu đèn năng lượng mặt trời
Đèn năng lượng mặt trời sử dụng nguồn điện DC áp thấp, dưới 20Vdc, an toàn hơn so với nguồn điện AC 380V. Điều này giảm thiểu nguy cơ mất an toàn điện khi lắp đặt và vận hành hệ thống.
Thêm vào đó, chi phí lắp đặt đèn năng lượng mặt trời hiện nay rất hợp lý, tương đương với việc lắp đặt đèn truyền thống, trong khi chi phí bảo trì và vận hành thấp hơn do không phải phụ thuộc vào hệ thống dây điện phức tạp, tránh được sự cố về điện.
Bảng so sánh lợi ích giữa đèn năng lượng mặt trời và đèn truyền thống
Việc sử dụng đèn năng lượng mặt trời không chỉ tiết kiệm chi phí tiền điện mà còn giảm áp lực lên lưới điện quốc gia và giảm phát thải carbon.
Hệ thống này sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, không gây hại cho môi trường, giúp giảm thiểu lượng cây xanh bị đốn hạ để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ điện năng từ các nguồn điện truyền thống như minh họa dưới đây:
Việc chuyển đổi sang hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn năng lượng mặt trời tại TP.HCM không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn tạo ra hiệu quả dài hạn.
Khi thành phố thay thế một nửa số lượng đèn chiếu sáng hiện có bằng đèn năng lượng mặt trời thì việc này có thể tiết kiệm được hơn 191 tỉ đồng chi phí điện năng mỗi năm, đồng thời giảm phụ tải điện từ 40.000 kW xuống dưới 20.000 kW.
Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời còn giúp giảm phát thải khí nhà kính CO2 từ 122.000 tấn xuống gần 60.000 tấn mỗi năm và cũng góp phần giảm lượng than đá sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện từ hơn 60.000 tấn xuống chỉ còn khoảng 30.000 tấn mỗi năm.
Đồng thời còn giúp bảo vệ môi trường, với hơn 1,8 triệu cây xanh không cần phải đốn hạ để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng điện.
Như vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là đèn năng lượng mặt trời, là giải pháp tối ưu, ngoài lợi ích kinh tế còn góp phần vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của TP.HCM.
Những lợi ích to lớn về kinh tế và môi trường của hệ thống chiếu sáng này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, tạo động lực để thành phố tiếp tục tiên phong trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đăng thảo luận