Người Việt tại Hàn Quốc học cách sống chung an toàn với Covid-19
(Dân trí) - Người Việt Nam tại Hàn Quốc đang thích nghi với cuộc sống vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế nhờ các biện pháp linh động của chính phủ.
Trung tâm tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại trung tâm văn hóa quận Nowon, Seoul, Hàn Quốc.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đang lựa chọn sống chung với đại dịch Covid-19. Thay vì phong tỏa triệt để, chính phủ Hàn Quốc đang áp dụng các biện pháp phong tỏa linh hoạt để vừa vận hành nền kinh tế vừa đối phó với các làn sóng dịch bệnh mới.
Trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Lê Xuân Lực, giáo sư nghiên cứu tại khoa Nano IT Fusion Engineering, Đại học Khoa Học và Công Nghệ, Đại học Quốc Gia Seoul, đang sinh sống tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc cho biết anh đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 vào ngày 23/8 và tiếp tục tiêm mũi 2 vào ngày 27/9.
Anh Lực cho biết quy mô tiêm chủng hiện nay tại Hàn Quốc khá lớn, địa điểm tiêm được đặt tại các quận của thành phố. Mọi người được quản lý các mũi tiêm phòng tự động bằng phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia có mã QR nên rất thuận tiện.
Tại ga điện ngầm Gongneung, Seoul, người dân vẫn đi lại bình thường và đều đeo khẩu trang.
Người tiêm chủng tại Hàn Quốc có thể chọn loại vắc xin theo thời gian tiêm chủng. Công dân nước ngoài tại Hàn Quốc, trong đó có người Việt Nam, cũng được chính phủ sở tại cho đăng kí tiêm vắc xin mũi 1 vào tháng 8, còn mũi 2 vào tháng 9 và tháng 10.
Lực cho biết anh đã được tiêm vắc xin Covid- 19 mũi 1 vào ngày 23/8 và sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 vào ngày 27/9.
Tính đến ngày 18/9, hơn 36 triệu người tại Hàn Quốc đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin, chiếm khoảng 70% dân số. Hơn 21 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Hiện nguồn cung vắc xin tại Hàn Quốc vẫn khan hiếm, do vậy chính phủ đang nỗ lực nhập khẩu nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng cho toàn dân sớm nhất trước tháng 11 năm nay. Giám đốc Cơ quan quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun-kyeong kêu gọi người dân tích cực tham gia tiêm phòng để giúp ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nặng và tử vong.
Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng trên 70% dân số trước tháng 10 để giảm số ca mắc mới cũng như số ca tử vong để mở cửa lại nền kinh tế, vốn đang trì trệ vì đại dịch. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc vẫn đang ở mức cao, từ 1,500-2,000 ca/ngày, chủ yếu ở khu vực đô thị với số ca nhiễm mới chiếm đến 76,1%.
Các quán cà phê tại Seoul vẫn hoạt động bình thường, khách có thể mua đồ mang đi hoặc ngồi tại quán.
Anh Lực cho biết, tại thủ đô Seoul và các vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon), chính phủ Hàn Quốc đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở cấp độ 4 (mức cao nhất). Theo đó, các hàng quán sẽ đóng cửa lúc 22h và cấm tụ tập quá 2 người từ 18-22h. Chính phủ cho phép tụ tập tối đa 4 người tại các nhà hàng và quán cà phê, các cuộc hẹn trước 18h. Ngoài ra, người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao sẽ phải xét nghiệm thường xuyên hơn. Việc đi lại và làm việc diễn ra bình thường, tuy nhiên người dân phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 do chính phủ ban hành.
Trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới dễ lây lan như Delta, chính phủ Hàn Quốc vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi đông người qua lại hoặc nơi có không gian kín. Người dân thực hiện khử khuẩn tay và khai báo bằng mã QR tại nơi công cộng như nhà hàng, quán cà phê, siêu thị.
Hiện tại, hầu hết các công ty và công sở ở Hàn Quốc vẫn hoạt động bình thường, cho phép vừa làm việc tại cơ quan vừa làm việc tại nhà. Một số trường học đã mở lại các lớp học. Tuy nhiên do số ca nhiễm mới đang ở mức cao, Seoul và các vùng phụ cận đã phải đóng cửa phần lớn các trường học và tổ chức học trực tuyến từ xa. Các du học sinh nước ngoài đến Hàn Quốc học tập vẫn phải tuân thủ cách ly tại nhà hoặc các cơ sở cách ly ít nhất 14 ngày và có kết quả âm tính trước khi được đến trường.
"Hiện tại, tôi thấy cách tiếp cận và mục tiêu tiêm chủng của chính phủ Hàn Quốc rất rõ ràng và có lộ trình cụ thể để đạt được miễn dịch cộng đồng và mở cửa dần lại nền kinh tế. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của các biến chủng mới, chính phủ Hàn Quốc cũng cân nhắc và có các biện pháp linh động đối phó với các tình huống bất ngờ để không gia tăng ca nhiễm mới và gia tăng số ca tử vong. Việc chính quyền ứng phó nhanh, xét nghiệm diện rộng, tiêm phủ vắc xin, trang bị thiết bị và nâng cao năng lực ứng phó của các cơ sở y tế, cung cấp thông tin minh bạch và có sự hỗ trợ lớn về công nghệ đã giúp chính phủ kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh cũng như có cách tiếp cận linh hoạt với làn sóng dịch mới", anh Lực chia sẻ.
Sinh viên Việt Nam trong lễ nhận bằng tại trường SeoulTech, Seoul, Hàn Quốc ngày 26/08/2021. Buổi lễ trao bằng bị hủy bỏ do dịch Covid-19 nhưng hoạt động chụp ảnh lưu niệm vẫn diễn ra tại SeoulTech. Anh Lực đứng thứ 8 từ trái sang.
Anh Lực cho biết hiện các hoạt động mua bán thực phẩm và đi lại vẫn diễn ra bình thường, do vậy anh không cảm thấy có nhiều bất tiện khi sống tại Seoul. Anh Lực hi vọng trong thời gian tới, chính phủ Hàn Quốc đạt được mục tiêu tiêm chủng toàn dân để cuộc sống dần trở lại bình thường.
Chị Phạm Ái, nhân viên công ty APPDR sống tại thành phố Suwon tỉnh Gyeonggi, cho biết khu vực Suwon vẫn đang áp dụng giãn cách xã hội ở mức cao nhất vì có nhiều ca nhiễm mới. Tuy nhiên, các công ty vẫn cho nhân viên đi lại làm việc trực tiếp ở công ty hoặc làm việc tại nhà.
"Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và có khuyến cáo bảo vệ sức khỏe, tránh tụ tập nơi đông người. Việc đi lại và mua bán ở nơi tôi sống hiện diễn ra bình thường và rất thuận tiện. Các công ty cũng mở cửa một phần để vừa sản xuất và vừa phòng tránh các làn sóng dịch mới", chị Ái chia sẻ.
Gia đình chị Ái đi du lịch vào dịp cuối tuần.
Gia đình chị Ái cũng đã hoàn thành tiêm vắc xin mũi 2. Chị Ái cho biết chị cảm thấy khá ổn và an tâm khi sinh sống tại Suwon.
"Vào cuối tuần, cả gia đình tôi vẫn đi du lịch khắp nơi tại Hàn Quốc mà không gặp khó khăn gì. Với mục tiêu chống dịch và phục hồi kinh tế, chính phủ Hàn Quốc đang áp dụng các mức giãn cách khác nhau và linh hoạt để mọi hoạt động của người dân và công ty không bị gián đoạn", chị Ái chia sẻ.
Đăng thảo luận