'Định hướng của ngành xuất bản là có được những cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức cho người đọc mà còn giúp họ biết sống tử tế với con người và môi trường xung quanh' - ông Lê Hoàng, giám đốc Đường sách TP.HCM, chia sẻ.
Ông Lê Hoàng chia sẻ tại sự kiện - Ảnh: HỒ LAM
Sáng 12-10, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra toạ đàm Xuất bản xanh - Kiến trúc xanh hướng đến Net Zero chia sẻ những giải pháp thiết thực cho cho kiến trúc và xuất bản bền vững.
Sự kiện có sự tham gia của ông Lê Hoàng - giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM; ông Lê Văn Thành - giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng tại TP.HCM; kiến trúc sư Trần Khánh Trung - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM...
Khuynh hướng xanh trong hoạt động xuất bản
Ông Lê Hoàng là một trong những thành viên ban chung khảo Giải thưởng giải Sách quốc gia.
Trong 5 năm gần đây, ông nhận thấy khuynh hướng "xanh" đã bắt đầu xuất hiện trong những tác phẩm gửi về cho cuộc thi, trong đó có những quyển sách đại diện cho nhu cầu đọc của lứa tuổi thanh thiếu niên.
Ông Lê Hoàng lấy ví dụ một số ấn phẩm có nội dung thấy rõ khuynh hướng "xanh", khuyến khích bảo vệ môi trường như: Chang hoang dã - Gấu; Xóm bờ giậu; Chuyện kể trước giờ đi ngủ; Nếu một ngày chúng tớ biến mất...
Sách Chang hoang dã - Gấu
Trong đó, cuốn Chang hoang dã - Gấu từng đoạt giải A Sách Quốc gia năm 2021.
Hiện tác phẩm đạt hiệu ứng tốt ở quốc tế khi bán bản quyền sang một nhà xuất bản Anh và có mặt trên gian hàng sách ở 8 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Câu chuyện của Chang hoang dã - Gấu lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật khiến cho người đọc trẻ có thêm tình yêu thương và biết bảo vệ sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã.
Điều này thể hiện xuyên suốt trong cả một hành trình gian khổ mà nhân vật chính Chang tìm cách giải thoát những con gấu khỏi sự ngược đãi của con người, để đưa chúng về với môi trường hoang dã, tự nhiên.
Nhà văn nghĩ gì về biến đổi khí hậu?
Theo Giám đốc chi nhánh nhà xuất bản Kim Đồng tại TP.HCM Lê Văn Thành, năm 2016, trong trại sáng tác về văn học thiếu nhi của Hội nhà văn TP.HCM, nhà thơ Cao Xuân Sơn đã đặt vấn đề: nhà văn nghĩ gì về biến đổi khí hậu?
"Chúng ta đã có một hệ sinh thái như trong Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Vậy bây giờ các nhà văn nghĩ gì về hệ sinh thái của khu vực miền Tây Nam Bộ?" - ông Thành nói.
TIN LIÊN QUANNhững người chuyên 'hồi sinh' động vật để trả về môi trường tự nhiên
Lắng nghe trẻ em tâm tư về ô nhiễm môi trường
Ông Thành lấy dẫn chứng một cuốn sách thể hiện được suy nghĩ của tác giả về thực trạng môi trường trên các dòng sông.
Đó là cuốn Cá linh đi học của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng, tác phẩm đoạt Giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam 2023.
Nội dung sách viết về câu chuyện chú cá linh xuôi từ dòng sông Mê Kông và gặp sự biến đổi khí hậu, chịu tác động của việc đánh bắt, lưới điện...
Theo ông Thành, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà xuất bản lớn đều đã quan tâm và khai thác những tựa sách sống xanh:
"Tất cả các dòng sách sống xanh rất khó tạo ra hiệu ứng best - seller như sách ngôn tình nhưng chúng sẽ có tính bền vững".
Hiện nay, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã phát hành nhiều cuốn sách theo khuynh hướng sống xanh, bảo vệ môi trường như: Chang hoang dã - Gấu; Mỗi ngày sống xanh - Thay đổi lớn đến từ hành động nhỏ; Sống xanh rồi mới sống nhanh; Loài plastic - khi nhựa trỗi dậy...
Đăng thảo luận