Giáo dục mầm non- nhiệm vụ xoay quanh 8 chữ
Đề cập đến nhiệm vụ của cấp học mầm non với 3 nội dung “nuôi dưỡng - chăm sóc – giáo dục”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, với cấp học mầm non, bắt đầu thứ 6 tháng đến 5 tuổi, mong muốn lớn nhất ông bà, cha mẹ là con được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt.
Với cấp học mầm non, dinh dưỡng hợp lý - vận động phù hợp là quan trọng nhất.“Giáo dục, học tập là cả cuộc đời nhưng nuôi dưỡng, chăm sóc - nền móng đầu tiên cho thể chất, sức khỏe của trẻ, nếu qua giai đoạn vàng sẽ không thể làm lại được”, Thứ trường Nguyễn thị Kim Chi nhấn mạnh.
Khẳng định vị trí vô cùng quan trọng của bậc học mầm non, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đúc rút thông điệp ngắn gọn và cũng là nội dung trọng tâm, là phần chuyên môn lớn nhất của bậc học mầm non, đó là: dinh dưỡng hợp lý và vận động phù hợp. Cụ thể, muốn trẻ được phát triển toàn diện thì phải bảo đảm thực hiện đúng theo tháp dinh dưỡng, đủ khoáng chất, vi chất trong bữa ăn. Cùng với đó, trẻ phải được vận động về tay chân, trí tuệ, tâm hồn thông qua việc nói chuyện, hát ca, tâm sự…. Một điều lưu ý là dù dinh dưỡng hay vận động thì đều cần sự phù hợp với thể chất của từng trẻ và từng vùng miền.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi xúc động kể lại trải nghiệm của mình về những chuyến thăm các điểm trường mầm non thuộc vùng dân tộc miền núi và thực sự thấy các cô giáo mầm non ở đó vô cùng vất vả.
“Tôi từng đến thăm 1 trường 80 cháu, chỉ có 2 cô. Phụ huynh ở đây gần như khoán gọn mọi phần việc chăm sóc con cho cô giáo. Các cô phải dỗ các con đến trường nên trong túi luôn có kẹo; phải có kéo để cắt tóc, có bấm móng, móng chân cho các con; phải bớt tiền để mua dép cho các con vì ở miền núi học sinh không có thói quen đi dép. Để có bữa ăn trưa, phụ huynh có thể chỉ nộp nông sản theo mùa mà không có tiền nên các cô phải trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn; đồng thời xin nhà hảo tầm ủng hộ xoong nồi, bát đĩa để tổ chức bếp ăn cho học trò”, Thứ trưởng kể.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhớ mãi một kỷ niệm ứa nước mắt. “Khi đến điểm trường, tôi xin chụp ảnh với học sinh và cô giáo. Các cô chạy vào chụp nhưng có 2 cô đi chân đất. Nghĩ là cô quên nên tôi nhắc cô đi giày, dép vào. Cô trả lời hồn nhiên rằng “em đi chân đất quen rồi, đi chân đất mới chạy nhanh được”. Thì ra, công việc của các cô quá bận rộn: sáng đón trẻ xong sẽ cho lợn, cho gà ăn; sau đó lại quay vào chuẩn bị nấu nướng… Các cô giáo mầm non ở vùng sâu vùng xa, tại sao yêu thương học sinh vô đối, yêu như con đẻ. Là bởi đa phần các cô ở miền xuôi lên, con gửi ông bà chăm sóc. Xa và nhớ con, đêm nằm ngủ quờ tay tìm con nhưng không thấy. Nỗi nhớ đó được khỏa lấp bằng học trò. Các cô yêu và chăm sóc cho học trò như chăm sóc và yêu thương con đẻ”- Thứ trưởng xúc động tỏ bày.
Không có tâm huyết, không làm được nhà giáo
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, nghề nhà giáo là nghề nhưng cũng là nghiệp. Từng có rất nhiều người làm giáo viên lương thấp, vất vả và có những cơ hội để chuyển nghề khác nhàn hạ, lương cao hơn nhưng từ chối hoặc đã đổi rồi lại quay về vì quá yêu nghề, mến trẻ. Nghề nào cũng quý nhưng đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi (đứng giữa, áo xanh) cùng Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao phần thưởng cho các thí sinh đạt giải tại Hội thi Nhân viên nuôi dưỡng giỏi cấp học mầm non Hà Nội, năm học 2024 - 2025.Thấu hiểu nỗi vất vả của ngành giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị trong quản lý nhà trường với bậc học mầm non một mặt phải chuẩn chỉ, tuân thủ điều lệ, quy định, hướng dẫn năm học nhưng cũng cần có sự chia sẻ nhiều hơn nữa vì trong tất cả các bậc học thì đây là bậc học vất vả nhất; cần coi đây là bậc học quan tâm số 1. Cùng với đó, cần chủ động, linh hoạt các thủ tục hành chính, biện pháp quản lý mang tính công thức, sổ sách, báo cáo, giáo án…. để giảm bớt áp lực cho giáo viên.
Ngoài ra, cần tiếp tục tham mưu cơ chế chính sách cho giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non. “Bên cạnh cơ chế chung của Nhà nước, Chính phủ thì với vị thế là Thủ đô – nơi có điều kiện kinh tế phát triển với nhiều nguồn lực xã hội hóa, bằng cơ chế đặc thù, mong rằng, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các đơn vị trực thuộc có thể ban hành cơ chế hỗ trợ để động viên bậc học mầm non; kêu gọi doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ thêm cho các cô”, Thứ trưởng nhắn gửi.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, đối tượng của nghề giáo là giáo dục con người. Nếu có chế độ chính sách tốt, thậm chí có tất cả mọi thứ nhưng không có trách nhiệm, tâm huyết thì không thể nào làm được. Bởi vậy, các thầy cô đã yêu nghề thì hãy dùng chính tâm huyết, trách nhiệm của mình để cố gắng vượt qua khó khăn; hãy tin rằng: Nhà nước, Chính phủ, các bộ ban ngành luôn đặc biệt quan tâm đến giáo dục và đang nỗ lực, tích cực tham mưu để có những điều chỉnh, bổ sung chính sách, chế độ giúp nhà giáo, nhân viên công tác trong ngành giáo dục có điều kiện tốt hơn.
“Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi những bộ luật về giáo dục; trong đó đang tham mưu quyết liệt để ban hành Luật Nhà giáo. Bộ GD&ĐT cũng tích cực tham mưu ban hành nhiều thông tư, nghị định để có những cơ sở pháp lý giúp các địa phương có hành lang xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho ngành giáo dục và cho nhà giáo”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định.
Bậc học mầm non hiện đảm đương nhiệm vụ quan trọng, đó là tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội (năm 2025) hai nghị quyết, gồm: Nghị quyết phổ cập mầm non 3-5 tuổi trên nền tảng đã phổ cập mầm non 5 tuổi và Nghị quyết về Chương trình Giáo dục mầm non mới. Nếu hai nghị quyết này được thông qua sẽ là sự thay đổi lớn, toàn diện với bậc học mầm non. Thời điểm này, Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) đang tích cực tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các địa phương về hai nội dụng trên.
Đăng thảo luận