Tài sản 6 tỷ phú USD biến động trái chiều
Tính trong nửa đầu năm nay, cổ phiếu VIC của Vingroup giảm 7,62% tương ứng mức giảm 3.400 đồng trên mỗi cổ phiếu; cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet giảm 6,02% tương ứng giảm 6.500 đồng.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng 11,4% vẫn nhỉnh hơn so với VN-Index (tương ứng tăng 2.900 đồng); cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan tăng 11,49% (tương ứng tăng 7.700 đồng). Cổ phiếu TCB của Techcombank tăng giá ấn tượng 51,43% (tương ứng tăng 7.930 đồng).
Diễn biến của các mã cổ phiếu trên đã ảnh hưởng đáng kể đến biến động tài sản của những người giàu nhất Việt Nam. Trong đó, với việc trực tiếp nắm giữ 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ Vingroup, trong 6 tháng đầu năm, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng sụt giảm 2.350 tỷ đồng.
Tuy vậy, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup - vẫn là người giàu nhất nước với khối tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, theo Forbes. Forbes ghi nhận, Việt Nam đang có 6 tỷ phú USD (sở hữu tài sản ròng từ 1 tỷ USD).
VN-Index biến động mạnh song vẫn đạt mức tăng hơn 10% so với đầu năm (Dữ liệu cập nhật đến sáng 3/7).
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục là doanh nhân nữ duy nhất trong danh sách này. Khối tài sản của CEO Vietjet Air đạt 2,7 tỷ USD, cách biệt không lớn với ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Tài sản của ông Trần Đình Long đạt 2,6 tỷ USD.
Giá trị tài sản mà ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - đang nắm giữ cao hơn đáng kể so với ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan. Theo đó, ông Hồ Hùng Anh có 1,8 tỷ USD tài sản, trong khi tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang là 1,1 tỷ USD.
Forbes cũng xác định giá trị khối tài sản ròng của ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco Group - và gia đình ở mức 1,2 tỷ USD.
Nửa đầu năm cũng chứng kiến sự tăng mạnh của cổ phiếu FPT. Giá cổ phiếu của Tập đoàn FPT thời điểm cuối tháng 6 ở mức 130.500 đồng, tăng mạnh 57,26% (mỗi cổ phiếu tăng 47.500 đồng) so với đầu năm.
Ông Trương Gia Bình sở hữu 88,73 triệu cổ phiếu FPT tương ứng 6,99% vốn điều lệ tập đoàn. Trong nửa đầu năm, khối tài sản của Chủ tịch FPT tăng 4.215 tỷ đồng.
VN-Index tăng hơn 10%
Chỉ số chính VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại nửa đầu năm 2024 tại 1.245,32 điểm tương ứng quy mô vốn hóa sàn HoSE là 5,08 triệu tỷ đồng.
Việc VN-Index đánh rơi gần 14 điểm tương ứng hơn 1% trong phiên cuối tuần trước đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường có hiệu suất tệ nhất thế giới tuần vừa rồi.
Trong quý II, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khá mạnh, suy giảm sau khi chinh phục thất bại mốc 1.300 điểm (Nguồn: Stockq).
Cụ thể, trong tuần, VN-Index giảm 2,86%, chỉ sau Iceland với mức giảm 3,5%. Trong khi đó, tại châu Á, thị trường chứng khoán Philippines tăng 4,12%; Nikkei 225 tăng 2,42%; chứng khoán Indonesia tăng 2,2%.
Mốc 1.300 điểm vẫn là thách thức lớn đối với VN-Index trong nửa đầu năm nay. Trong ngày 12/6, chỉ số vượt mốc 1.300 điểm một cách ngoạn mục song lại gây thất vọng khi chỉ trụ được ở trên mốc này trong 2 phiên và chóng vánh quay đầu ngay sau đó (phiên 14/6 giảm từ trên 1.300 điểm xuống dưới 1.280 điểm).
Tuy vậy, so với đầu năm, VN-Index vẫn đã tăng 115,39 điểm tương ứng tăng 10,21%. Quy mô vốn hóa thị trường của sàn HoSE tăng 527.647 tỷ đồng.
Nhiều mã tăng bằng lần trên HoSE
Nửa đầu năm nay, thị trường ghi nhận nhiều mã cổ phiếu tăng giá, trong đó có những mã tăng bằng lần và mang lại cho nhà đầu tư nắm giữ mức lợi nhuận vượt xa cả hiệu suất sinh lời của VN-Index.
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines là gây chú ý trên sàn HoSE khi đạt được mức tăng 171% so với đầu năm. Mã cổ phiếu này bứt tốc trong bối cảnh nhiều yếu tố hỗ trợ sự phục hồi của ngành hàng không, đặc biệt là giá máy bay nội địa tăng mạnh. HVN điều chỉnh mạnh 3,35% phiên cuối tháng 6 về còn 33.200 đồng nhưng kết phiên 2/7 đã hồi phục lên 34.800 đồng.
Cổ phiếu HVN cất cánh trong quý II (giá cập nhật đến sáng 3/7).
Kế đến là cổ phiếu VFG của Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam với mức tăng 125,86% về thị giá cổ phiếu thời điểm cuối tháng 6 so với đầu năm. Sau một số phiên điều chỉnh nhẹ cuối tháng 6 về mức 78.700 đồng, bước sang tháng 7, cổ phiếu này tiếp tục tăng giá lên mức 82.400 đồng ở phiên 2/7.
Mặc dù ghi nhận điều chỉnh trong vòng 1 tháng trở lại đây nhưng PAC của Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam vẫn thuộc top dẫn đầu về mức tăng trưởng của cổ phiếu. Thị giá PAC trong nửa đầu năm tăng 114,28%, đóng cửa phiên cuối tháng 6 ở 51.000 đồng.
Nhược điểm của các mã cổ phiếu này là thanh khoản thấp, bình quân chỉ đạt trên dưới 100 nghìn đơn vị giao dịch mỗi phiên.
Một số mã cổ phiếu có diễn biến tăng giá mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay trên HoSE còn có D2D của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (92,86%); HTL của Công ty cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (82,07%).
Cổ phiếu LPB của LPBank tăng 79,05%; SMC của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC tăng 77,07%; ITD của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong tăng 76,47%; NTL của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm tăng 75,86%; CSV của Công ty cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam tăng 68,29%.
Mặc dù có nhiều mã cổ phiếu tăng giá mạnh như trên song phần chắc thắng chỉ nằm trong tay những nhà đầu tư nắm giữ liên tục và có chiến lược giao dịch hợp lý. Việc mua vào bán ra không đúng nhịp, mua cao - bán thấp, kể cả với những mã cổ phiếu sinh lợi tốt, vẫn có thể khiến nhà đầu tư thua lỗ.
Bước vào những phiên đầu tiên của tháng 7, thị trường đã khởi sắc hơn về mặt điểm số. VN-Index đã hồi phục 2 phiên liên tiếp và nhanh chóng tiệm cận mốc 1.270 điểm. Cụ thể, phiên 1/7 tăng 9,24 điểm tương ứng 0,74% và tiếp tục tăng 15,23 điểm tương ứng 1,21% lên 1.269,79 điểm.
Tuy vậy, thanh khoản thị trường lại rất thấp. Giá trị giao dịch trên HoSE phiên 2/7 chỉ đạt 13.982,06 tỷ đồng sau khi dừng ở mức 13.114,8 tỷ đồng trong phiên 1/7.
Đăng thảo luận