Mê xem phim, đọc truyện cổ Trung Quốc từ nhỏ giúp Bảo Anh giành giải thưởng ở nhiều cuộc thi, trúng tuyển học bổng toàn phần để theo học Đại học Bắc Kinh.

Trương Bảo Anh, cựu học sinh trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, giành học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) hồi cuối tháng 7. Nữ sinh hiện là sinh viên ngành Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc của Viện Xã hội, Đại học Bắc Kinh. Theo xếp hạng đại học QS 2025, trường đứng thứ 14 thế giới và số một Trung Quốc.

Gần ba tuần kể từ khi nhập học, Bảo Anh chưa nguôi nỗi nhớ nhà, ngày nào cũng gọi về cho mẹ. Nữ sinh vẫn đang làm quen với cách học ở môi trường mới. Xác định tâm lý sẽ có những khoảng cách về kiến thức với các sinh viên bản địa, nhưng khi học cùng, Bảo Anh mới thấy rõ sự khác biệt.

Nữ sinh cho biết các bạn được học rất sâu văn học, lịch sử từ năm cấp ba. Dù đọc nhiều sách truyện tiếng Trung từ nhỏ, Bảo Anh vẫn thấy choáng ngợp, cảm thấy chưa hiểu sâu. Vì thế, em phải tìm đọc nhiều sách, tài liệu về các triều đại lịch sử, cũng như các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc.

"Em khá áp lực", nữ sinh nói.

Đam mê phim cổ trang đưa nữ sinh đến đại học số một Trung Quốc  第1张

Trương Bảo Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học kỳ đầu, Bảo Anh tính vừa làm quen, vừa trải nghiệm nên đăng ký 14-15 trong tổng số 25 học phần. Tuy nhiên, thấy không khí học tập quyết liệt, các bạn học ở thư viện hay bất cứ đâu trong khuôn viên đến tận đêm, hầu hết đăng ký 22 học phần trở lên, em thấy sốt ruột.

"Em sau đó cũng đăng ký tăng lên thành 20", Bảo Anh kể.

Ngoài giờ học, em tranh thủ đọc, ghi chép và hầu như ở thư viện đến 21-22h mới về ký túc xá. Thời gian đi chơi hay gặp gỡ bạn bè Việt Nam cùng trường cũng hạn chế vì bận bài vở.

Bảo Anh cho hay tiếp cận với ngôn ngữ Trung Quốc từ năm 3-4 tuổi, khi còn sống ở Hòa Bình. Ngày đó, em và mẹ - một phiên dịch viên tiếng Trung, thường xem phim Tây Du Ký, Hoàn Châu cách cách... Mê các "cách cách", Bảo Anh còn đòi mẹ cắt tóc cho giống nhân vật.

Mẹ cũng mua cho Bảo Anh nhiều sách văn học, truyện, thơ ca tiếng Trung. Ở nhà, mẹ thường nói tiếng Trung với em, kể cho nghe những điển tích, điển cố và giải thích ý nghĩa của từ ngữ. Em có thể nghe, hiểu và nói một số câu đơn giản.

"Em thấy tiếng Trung hay. Một số từ chỉ cần nghe đã có thể tưởng tượng được ra ý nghĩa", nữ sinh nhớ lại.

Ngoài đọc, Bảo Anh cũng xem phim và các chương trình truyền hình thực tế của Trung Quốc. Suốt những năm cấp 1, 2, Bảo Anh học nghe, nói bằng cách này.

Sau khi thi đỗ lớp 10 trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Bảo Anh từ Hòa Bình xuống Hà Nội sống cùng mẹ. Lúc này, em mới thực sự học bài bản và chuyên sâu về tiếng Trung. Nữ sinh tham gia các cuộc thi học thuật và giành nhiều giải thưởng.

Năm lớp 10, em đạt giải nhất cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ khu vực miền Bắc và miền Trung, giải nhì Olympic tiếng Trung của Đại học Quốc gia Hà Nội, top 6 thi tranh biện Hán ngữ do trường Đại học Ngoại thương tổ chức. Một năm sau, Bảo Anh giành giải nhì học sinh giỏi quốc gia và giải ba Nhịp cầu Hán ngữ thế giới.

Đam mê phim cổ trang đưa nữ sinh đến đại học số một Trung Quốc  第2张

Bảo Anh (sau thành viên tóc đỏ hàng đầu) cùng cô giáo và bạn học tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nữ sinh cho biết nghĩ đến du học từ lâu nhưng không tự tin. Từ khi đạt được các giải thưởng, em mới chắc chắn hơn về mục tiêu của mình. Tháng 12 năm ngoái, Bảo Anh bắt đầu chuẩn bị hồ sơ xin học bổng CSC.

Quy trình năm nay có nhiều thay đổi, yêu cầu ứng viên phải được trường nhận trước khi nộp hồ sơ; làm bài thi đầu vào bằng tiếng Trung và trả lời phỏng vấn cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Mọi việc dồn dập và bất ngờ khiến Bảo Anh bối rối, nhờ được mẹ động viên, em có động lực để cố gắng.

Theo Bảo Anh, hồ sơ yêu cầu ứng viên có bản kế hoạch học tập và mục tiêu chi tiết cho bốn năm đại học. Để gây ấn tượng, thay vì liệt kê, em viết dưới dạng bài luận và trau chuốt phần mở, kết bài. Trong đó, nữ sinh dự định năm đầu sẽ củng cố kiến thức để các năm sau có hướng và thực hiện nghiên cứu, chuẩn bị luận văn tốt nghiệp.

Nộp hồ sơ hồi tháng 1 nhưng cuối tháng 7, Bảo Anh mới nhận được kết quả. Vì thế Bảo Anh cảm thấy không còn hy vọng, chuẩn bị nhập học Đại học Sư phạm Bắc Kinh với suất học bổng của trường.

"Em sốc khi biết mình đỗ. Em đọc lại nhiều lần xem có bị nhầm tên ai không. Khi biết đúng, em cảm giác nhẹ nhõm và muốn khóc", nữ sinh kể.

Bảo Anh nhìn nhận kết quả đã khẳng định những nỗ lực của bản thân và là khởi đầu cho tương lai sau này.

Đam mê phim cổ trang đưa nữ sinh đến đại học số một Trung Quốc  第3张

Bảo Anh và mẹ trong lễ trao giấy nhập học cho ứng viên trúng tuyển học bổng CSC tại đại sứ quán Trung Quốc hôm 8/8 ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Tôi không bất ngờ vì Bảo Anh có khả năng rất tốt. Em ấy đã đạt chứng chỉ Hán ngữ quốc tế HSK cấp 6 (cao nhất) từ năm lớp 11", cô Lê Thị Thanh Bình, giáo viên chủ nhiệm của Bảo Anh ở trường THPT chuyên Ngoại ngữ, nhận xét.

Cô Bình cho biết học trò thích hoạt động ngoại khóa, có kỹ năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo và truyền cảm hứng cho mọi người. Ngoài ra, em còn có năng khiếu múa và học tốt các môn xã hội. Trước khi giành học bổng du học, nữ sinh đã trúng tuyển sớm Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao.

Bảo Anh dự định học lên thạc sĩ sau khi tốt nghiệp và mong theo đuổi công việc giảng dạy, nghiên cứu trong tương lai. Từ kinh nghiệm của mình, nữ sinh cho rằng nếu muốn du học Trung Quốc, ứng viên cần chuẩn bị sớm, cố gắng đạt điểm số học tập tốt và giành giải thưởng trong các cuộc thi học thuật.

"Khi có mục tiêu, phải theo đuổi đến cùng và chuẩn bị tâm thế để đối mặt với những thử thách", Bảo Anh nhìn nhận.

Bình Minh