Kiến trúc sư Bùi Duy Đức - thiết kế đô thị tại Công ty Quy hoạch và Đô thị vùng thành phố Toulouse, Pháp - gửi bài viết tham gia cuộc thi: 'Chuyển đổi chiếu sáng xanh hướng tới Net Zero' do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Signify tổ chức.

Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第1张

Chiếu sáng đô thị - KTS BÙI DUY ĐỨC

Những năm gần đây, việc xây dựng mô hình thành phố hấp dẫn về đêm đang trở thành yếu tố thu hút dân cư và du lịch tại Việt Nam.

Điều này đặt ra những thách thức về mặt năng lượng, sinh thái, bản sắc cho quy hoạch và phát triển đô thị bền vững. Dưới đây là một số quan sát và đề xuất của người viết, hưởng ứng đề tài Chuyển đổi chiếu sáng xanh hướng tới Net Zero.

Chiếu sáng vừa đủ, vấn đề then chốt

Cuộc sống về đêm từ lâu đã là một đặc trưng của TP.HCM. Sau những thăng trầm lịch sử, thành phố lại chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động về đêm, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm.

Hiện nay, thành phố đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế đêm nhằm tăng cường trải nghiệm cho cư dân và du khách.

Nhiều chính sách khuyến khích các cửa hàng, nhà hàng, và các điểm giải trí mở cửa suốt đêm đang được xem xét để biến TP.HCM thành một thành phố không ngủ mô hình đô thị 24/24, theo xu hướng tối ưu hóa không gian đô thị bằng những dịch vụ, công trình hoạt động liên tục.

Điều này thay đổi mạnh mẽ cảnh quan đô thị, tuy nhiên cũng đòi hỏi mức tiêu thụ năng lượng ngày càng cao. Hệ quả thấy được là tình trạng ô nhiễm ánh sáng, gây ra những đứt gãy sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe đô thị.

Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第2张

Sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về tình trạng người dân sống tại những thành phố 24/24 hay mắc các chứng bệnh về thị lực, đau đầu, chóng mặt, thậm chí mất ngủ, kém ăn, tâm trạng trầm uất, thân thể suy nhược.

Một phần nguyên nhân đến từ việc chiếu sáng không đúng cách và dư thừa dẫn đến rối loạn nhịp sinh học của con người và những sinh vật sống trong môi trường đô thị.

Mặc dù TP.HCM đã bắt đầu triển khai các hệ thống chiếu sáng thông minh sử dụng công nghệ IoT, giúp tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả vận hành.

TIN LIÊN QUAN
  • Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第3张

    Ý tưởng chiếu sáng xanh cho công viên APEC ở Đà Nẵng

  • Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第4张

    Giải pháp chiếu sáng xanh bằng trình diễn drone để giảm bắn pháo hoa

  • Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第5张

    Chuyển hóa năng lượng chiếu sáng xanh từ các thiết bị tập thể dục tại công viên

Tuy nhiên bài toán chiếu sáng thường gặp phải những xung đột về lợi ích bởi những cộng đồng sinh hoạt và giải trí về đêm với những ai cần được nghỉ ngơi đúng mức trong khoảng thời gian này.

Điều này khiến những chuyên gia đô thị phải xem xét lại về vấn đề "chất lượng ban đêm" dưới một góc độ xã hội 24 giờ công bằng hơn.

Trong nhiều cuộc tranh luận gần đây về chiếu sáng đô thị, một đề tài được đề cập đến là "Chiếu sáng vừa đủ" ( "éclairage juste" trong tiếng Pháp).

Khái niệm này đề cập đến việc sử dụng ánh sáng một cách hợp lý, đủ để đáp ứng nhu cầu chiếu sáng mà không gây lãng phí năng lượng hoặc tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Việc giảm thiểu tác động tiêu cực của ánh sáng nhân tạo mà vẫn đảm bảo an ninh được coi như điểm mấu chốt cho vấn đề nâng cao chất lượng chiếu sáng tại các đô thị không ngủ.

Từ đó, chất lượng ban đêm không chỉ nằm ở sự tiện nghi và thẩm mỹ của ánh sáng, mà còn ở việc đảm bảo sức khỏe đô thị.

Trong trường hợp của TP.HCM, đảm bảo chiếu sáng vừa đủ tại các không gian công cộng trong đô thị là một yếu tố then chốt hướng tới mục tiêu Net Zero.

Việc này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, kết hợp quy hoạch hợp lý, ứng dụng công nghệ, thiết kế tối ưu, và sự tham gia của cộng đồng.

Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第6张

Đường phố Sài Gòn về đêm - Ảnh: NGỌC TRẦN

Hướng tới mục tiêu Net Zero

Việc định lượng chiếu sáng vừa đủ đòi hỏi những đầu tư nhất định về thời gian và nhân lực mà chúng tôi chưa đủ điều kiện để thực hiện.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ xin đề xuất địa điểm nghiên cứu và chia sẻ một số giải pháp sáng tạo cụ thể, mang tính tham khảo để giảm phát thải ánh sáng tại một số nước trên thế giới.

Chúng tôi lựa chọn địa điểm nghiên cứu tại công viên bờ sông Sài Gòn, nơi được đưa vào hoạt động phục vụ sinh hoạt cho cư dân TP.HCM vào năm 2023.

Mặc dù gần quận trung tâm, nơi đây vẫn đang trong quá trình quy hoạch, vẫn có những khoảng tối và hệ thống chiếu sáng tại đây vẫn còn có thể điều chỉnh được.

Vì là công viên mới, nằm đối diện với một thành phố rực rỡ về đêm, địa điểm này là nơi thích hợp để áp dụng và thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo và thu hút người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Từ đó nâng cao nhận thức về lối sống xanh và lan tỏa những thông điệp xanh đến với cộng đồng. Những đề xuất của chúng tôi bao gồm hệ thống chiếu sáng thân thiện môi trường và có tính liên kết cộng đồng.

Với chiếu sáng mảng, chúng tôi đề xuất sử dụng vật liệu tự phát sáng - là các loại vật liệu có khả năng phát ra ánh sáng mà không cần đến nguồn sáng bên ngoài. Vật liệu này hấp thụ ánh sáng từ môi trường và sau đó phát ra ánh sáng từ từ trong bóng tối.

TIN LIÊN QUAN
  • Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第7张

    Thiết kế chiếu sáng xanh cho mô hình tòa nhà văn phòng

  • Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第8张

    TP.HCM cử lực lượng cây xanh, cấp nước, chiếu sáng, điện lực hỗ trợ các tỉnh phía Bắc

  • Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第9张

    “Chuyển đổi chiếu sáng xanh hướng tới Net Zero”

Paris đã triển khai các biển hiệu công cộng sử dụng vật liệu tự phát sáng, như trong các ga tàu điện ngầm, khu vực công viên, và đường phố chính.

Ta có thể thấy những vật liệu này tại các quảng trường và các khu vực đi bộ, chẳng hạn như quanh Nhà thờ Đức Bà Paris và khu vực Montmartre.

Ngoài ra ghế ngồi, bàn, các tác phẩm điêu khắc, và đường dành cho xe đạp cũng có thể được phủ vật liệu tự phát sáng không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp người dân dễ dàng sử dụng các tiện ích này vào ban đêm.

Các vật liệu phát quang có thể biến các khu vực công cộng thành những không gian thân thiện và mời gọi hơn vào ban đêm, với những mảng sáng mềm mại và an toàn hơn cho người sử dụng.

Với đèn chiếu sáng trên cao, chúng ta có thể kết hợp đèn chiếu sáng với máy tập thể dục công cộng. Các thiết bị tập thể dục công cộng như xe đạp cố định, máy chạy bộ, hoặc máy tập cơ tay được gắn với máy phát điện.

Khi người dùng tập luyện, năng lượng cơ học do họ tạo ra sẽ được chuyển đổi thành điện năng. Điện năng này sau đó có thể được sử dụng để thắp sáng các đèn đường hoặc đèn chiếu sáng xung quanh khu vực tập thể dục.

Các thiết bị này có thể đặt dọc theo đường đi dạo trong công viên và kết hợp với những điểm ngắm toàn cảnh thành phố, tạo nên một bức tranh sinh động với những điểm sáng thay đổi theo mật độ người sử dụng.

Hiện nay, các công viên ở Santa Monica (LA, Mỹ) đã đặt các máy tập thể dục ngoài trời tại công viên ven biển với khả năng tạo ra điện. Tại TP.HCM hoàn toàn có tiềm năng triển khai mô hình này, giúp người dân vừa rèn luyện sức khỏe, vừa đóng góp vào việc tiết kiệm năng lượng cho thành phố.

Với chiếu sáng điểm, cụ thể là những bến xe buýt, quán nước, bãi đỗ xe đạp, chúng tôi đề xuất những mô hình kiến trúc kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời có thể được sử dụng để chạy màn hình hiển thị, trạm sạc, và đèn chiếu sáng vào ban đêm hoặc những ngày trời nhiều mây.

Chúng ta có thể tham khảo những thiết kế của San Francisco, thành phố đã áp dụng mô hình bến xe buýt năng lượng mặt trời để hỗ trợ các hệ thống chiếu sáng và thông tin thời gian thực và trạm sạc điện thoại cho hành khách.

Việc thí điểm áp dụng kết hợp những giải pháp xanh tại địa điểm công viên bờ sông Sài Gòn có thể trở thành một dự án lan tỏa, hướng tới việc thiết lập một hệ thống kết hợp giữa tiện ích công cộng và công nghệ xanh trên quy mô rộng hơn ở TP.HCM.

Thay lời kết, mục tiêu Net Zero của TP.HCM đòi hỏi một chiến lược tổng thể và sự tham gia của nhiều lĩnh vực.

Theo kinh nghiệm từ những đô thị lớn trên thế giới, chúng ta cần thiết lập một "hội đồng về đêm" để quản lý chất lượng những không thời gian" mới này, hướng tới một quy hoạch về đêm hiệu quả và giàu bản sắc hơn.

Tài liệu tham khảo : Roger Narboni (2012); GWIAZDZINSKI Luc, Marco MAGGIOLI, Will STRAW (Dir.). (2020); Christophe Plotard (2024); Manolis Psarros (2024).

Đô thị về đêm và các giải pháp chiếu sáng vừa đủ tại TP.HCM  第10张