Microsoft, Adobe và OpenAI đều cam kết bảo vệ khách hàng của họ trước các vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng sự đảm bảo đó liệu có áp dụng cho tất cả người dùng?
Động thái từ các công ty công nghệ
Trong bài phát biểu kéo dài 45 phút tại hội nghị dành cho các nhà phát triển đầu tiên của OpenAI vào đầu tháng 11/2023, CEO Sam Altman đã giới thiệu một chính sách bảo vệ pháp lý gọi là "Lá chắn bản quyền" (Copyright Shield).
"Chúng tôi sẽ can thiệp và bảo vệ khách hàng của mình, đồng thời chi trả các chi phí phát sinh nếu bạn gặp phải các khiếu nại pháp lý liên quan đến vi phạm bản quyền", Sam Altman nói.
OpenAI tự tin có thể bảo vệ khách hàng về mặt pháp lý - đặc biệt khi các vụ kiện về bản quyền từ các nhà văn, hãng thu âm và diễn viên hài đang dồn dập tấn công Thung lũng Silicon (vì các công ty công nghệ sử dụng nội dung từ web để huấn luyện chatbot và dịch vụ tạo hình ảnh).
CEO OpenAI khẳng định chắc chắn OpenAI sẽ trả cho các vụ kiện bản quyền: "Chúng tôi rất tự tin vào cách tiếp cận của mình, nhưng chúng tôi muốn chia sẻ sự tự tin đó với các nhà phát triển".
Theo Bloomberg, thực tế, OpenAI đã tham gia muộn vào “cuộc chơi” bồi thường…
Vào tháng 6, Adobe đã thông báo họ sẽ bảo vệ khách hàng khỏi các vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến việc sử dụng công cụ tạo hình ảnh AI của mình - Firefly. Trong khi đó, Microsoft tiếp bước vào tháng 9 với cam kết "Bản quyền Copilot", hứa hẹn sẽ trả tiền cho các thỏa thuận nếu khách hàng bị kiện vì sử dụng hoặc phân phối các tài liệu do AI tạo ra trong các phần mềm như: Windows, Word, PowerPoint và trình tạo mã Github Copilot. Tháng trước, Google cũng công bố các bảo vệ pháp lý cho người dùng các dịch vụ AI. Google cho biết trên thông báo của mình "Nếu bạn bị khiếu nại về bản quyền, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về các rủi ro pháp lý liên quan”.
Người dùng công cụ AI và sự “bảo vệ” trước các vụ kiện
Tuy nhiên, các chính sách này chỉ áp dụng cho các khách hàng thương mại trả tiền để sử dụng các dịch vụ như: ChatGPT Enterprise và Firefly cho doanh nghiệp. Những lựa chọn cao cấp này có thể bao gồm các biện pháp bảo vệ bổ sung để ngăn việc sử dụng nhầm lẫn các tài liệu có bản quyền ngay từ đầu.
Ngược lại, nếu người dùng đang sử dụng dịch vụ miễn phí như Dall-E và tạo ra một tác phẩm nghệ thuật bao gồm hình ảnh giống như Mickey Mouse; rồi đưa lên bảng quảng cáo và bị Disney kiện; các biện pháp bảo vệ sẽ không áp dụng. Tương tự, nếu người dùng ChatGPT yêu cầu chatbot tạo ra một nhãn hiệu mới bao gồm cụm từ "Just Do It", luật sư của OpenAI sẽ không đến để giải quyết cho điều này.
Brenda Leong - đối tác tại Luminos Law, một công ty chuyên về các vấn đề AI giải thích: "Tôi không thể chỉ yêu cầu hệ thống tạo ra một tác phẩm giống Banksy, rồi sau đó lấy tác phẩm đó và bán như một sản phẩm tuyệt vời của Banksy". Cô cho biết, các điều khoản bồi thường chỉ áp dụng cho những mô hình doanh nghiệp cụ thể và khách hàng của những phiên bản nhất định mà các công ty cung cấp. "Họ đã thiết lập nhiều biện pháp kiểm soát trong các hệ thống này để đảm bảo không có thông tin bảo vệ nào bị rò rỉ ra ngoài”, Brenda Leong nói.
Cũng cần lưu ý, các vụ kiện hiện tại từ nhà văn và các nhà sáng tạo chủ yếu nhắm vào dữ liệu được sử dụng để huấn luyện AI, chẳng hạn như: sách, mã nguồn mở và hình ảnh có bản quyền. Các chính sách của Adobe, Google, Microsoft và OpenAI nhằm bảo vệ khỏi các vụ kiện liên quan đến những sản phẩm mà AI tạo ra và cho đến nay chưa có vụ kiện nào nhắm vào người dùng AI vì vi phạm bản quyền do AI gây ra.
Tất cả những điều này cho thấy, các chính sách mới cùng với sự quảng bá đi kèm có hiệu quả: giúp xoa dịu mối lo ngại của các công ty và khuyến khích họ sử dụng các công cụ AI tạo sinh dành cho doanh nghiệp. Các luật sư nội bộ của những công ty này thường lo lắng khi thấy các tin tức về các vụ kiện bản quyền, đồng thời e ngại rằng mã nguồn hoặc tài sản trí tuệ có bản quyền có thể vô tình bị đưa vào sản phẩm, gây ra những vấn đề pháp lý nghiêm trọng trong tương lai. Đây cũng là những mối lo tương tự từng xảy ra trong giai đoạn đầu của phong trào mã nguồn mở, trước khi các công ty như Red Hat đưa ra các biện pháp bảo vệ tương tự như những gì các công ty AI đang áp dụng ngày nay.
Leong cho biết, cô đã chứng kiến tác động rõ rệt từ các chính sách bồi thường này. Một trong những khách hàng của cô (một nhà tư vấn) trước đây đã sử dụng Firefly của Adobe để phát triển ý tưởng mới, nhưng kiên quyết không đưa bất kỳ hình ảnh AI nào vào sản phẩm gửi đến khách hàng. Tuy nhiên, sau khi Adobe công bố chính sách bảo vệ vào mùa hè vừa qua, khách hàng này đã dỡ bỏ lệnh cấm.
"Chính sách này đã thay đổi thái độ của họ đối với việc sử dụng các công cụ AI… Họ cảm thấy được bảo vệ hơn khi sử dụng chúng", Leong nói thêm.
Chủ đề bản quyền là một đề bài lựa chọn trong cuộc thi Trí tuệ nhân tạo 2024 (mùa 2) - Vietnam AI Contest 2024, nơi các bạn thí sinh thoả sức đam mê tìm hiểu và sáng tạo những ý tưởng mới, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm.
Thông tin chi tiết về cuộc thi, thí sinh có thể truy cập các kênh:
Fanpage “VLAB Innovation”: https://www.facebook.com/vlabinnovation/
Website: vlabinnovation.com
(Theo: Bloomberg)
Đăng thảo luận