Não úng thủy là tình trạng ứ đọng hay tích tụ chất lỏng ở các khoang sâu bên trong não, làm tắc nghẽn và gây áp lực lên não.

Hộp sọ của người chứa đầy chất lỏng, bao quanh các nếp gấp và thùy não, được gọi là dịch não tủy. Dịch não tủy bảo vệ não khỏi chấn thương, cung cấp chất dinh dưỡng cùng protein giúp não khỏe mạnh và hoạt động ổn định.

Não úng thủy xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh hoặc người lớn trên 60 tuổi.

Phân loại

Não úng thủy có hai loại chính gồm:

  • Não úng thủy bẩm sinh.
  • Não úng thủy mắc phải.

Triệu chứng

Triệu chứng bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi.

Ở trẻ sơ sinh

  • Đầu to bất thường và to lên nhanh chóng.
  • Điểm mềm trên đỉnh đầu cứng hoặc phồng.
  • Mắt hướng xuống dưới.
  • Cáu kỉnh hoặc khó chịu.
  • Nôn mửa, ăn kém.
  • Động kinh.
  • Ít phản ứng cảm giác.
  • Tăng trưởng kém.

Ở trẻ mới biết đi và các trẻ khác

  • Đau đầu.
  • Mắt hướng xuống dưới.
  • Mờ mắt.
  • Đầu lớn bất thường.
  • Buồn ngủ hoặc năng lượng thấp.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Mất thăng bằng, khả năng phối hợp kém.
  • Gặp vấn đề về dáng đi.
  • Chán ăn.
  • Động kinh.
  • Đi tiểu thường xuyên hoặc mất kiểm soát bàng quang.
  • Dễ nổi cáu và thay đổi tính cách.
  • Khó khăn trong việc học.

Người lớn dưới 60 tuổi

  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Cân bằng hoặc phối hợp kém.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Thay đổi về thị lực.
  • Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung kém.

Người lớn trên 60 tuổi

Ngoài các triệu chứng trên, người lớn trên 60 tuổi mắc não úng thủy có nguy cơ mất trí nhớ, khả năng xử lý thông tin giảm, đi lại và chuyển động chậm chạp...

Nguyên nhân

Ba nguyên nhân chính gây ra bệnh não úng thủy gồm:

Sự tắc nghẽn: Khối u, u nang, dị tật bẩm sinh, chấn thương não hoặc đột quỵ có thể chặn hoặc ảnh hưởng đến dòng chảy bình thường của dịch não tủy.

Hấp thụ chất lỏng kém: Viêm, chấn thương hoặc nhiễm trùng như viêm màng não do vi khuẩn có thể ngăn mô não hấp thụ dịch não tủy.

Quá nhiều chất lỏng: Trong một số trường hợp ít gặp, nhiễm trùng như viêm màng não có thể khiến cơ thể sản xuất nhiều dịch não tủy hơn mức não có thể xử lý.

Chẩn đoán

Bác sĩ khám sức khỏe và hỏi về các triệu chứng của người bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để tìm dấu hiệu não úng thủy.

  • Khám thần kinh để kiểm tra sức mạnh cơ, phản xạ, sự phối hợp, thăng bằng, thị lực, chuyển động mắt, thính giác, chức năng tinh thần và tâm trạng.
  • Chụp cộng hưởng từ ( MRI).
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT).
  • Chọc tủy sống.
  • Theo dõi áp lực nội sọ (ICP).
  • Khám đáy mắt, kiểm tra dây thần kinh phía sau mắt để xem có bị sưng không.

Điều trị

Nếu các triệu chứng nhẹ, người bệnh thường không cần điều trị. Trường hợp triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể phẫu thuật để đặt một ống gọi là shunt vào não để chuyển hướng dịch não tủy đến một phần khác của cơ thể như bụng.

Trong một số trường hợp, bệnh não úng thủy có thể được điều trị mà không cần sử dụng ống dẫn lưu, thay vào đó là phẫu thuật. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do khối u, người bệnh được chỉ định cắt bỏ u. Nếu do đột quỵ, bác sĩ phẫu thuậ hộp sọ để giảm áp lực và tình trạng sưng do tích tụ dịch não tủy.

Anh Chi (Theo WebMD)