Tôi là cây ATM của cả gia đình, nhưng xác định làm bố làm mẹ phải biết tự lực cánh sinh
Mới đi họp tổng kết người cao tuổi về, lại đọc được bài viết "Nỗi lo mất việc vì chăm sóc cha mẹ già", tôi thấy thấm thía, cảm động. Qua đây, tôi cũng xin chia sẻ chút kinh nghiệm chăm sóc bố mẹ già thực tế của mình trong thời gian qua để các bạn cùng tham khảo.
Sau nhiều lần ra Bắc vào Nam chăm bố mẹ bệnh, năm 2005, khi các cụ đã 80 tuổi, tôi đưa bố mẹ vào Nam để tiện bề chăm sóc. Gia đình tôi đông anh chị em nên lúc đầu chúng tôi định để bố mẹ ở riêng, sát nhà tôi cho tiện anh em, con cháu thăm nom, nhưng các cụ không chịu. Kể cả việc tôi sang tên nhà cho các cụ để đỡ tủi thân nhưng họ chỉ muốn ở chung nhà với tôi để có gì còn phụ trông nom nhà cửa, trong khi vợ tôi mới mổ tim, đi lại hoạt động còn khó khăn, cháu nội còn nhỏ.
Và cuộc sống của tôi đã bước sang một trang mới kể từ lúc đó, theo đúng kiểu "trên đe dưới búa". Thời gian với tôi là thứ vô cùng hiếm hoi, nếu không muốn nói là xa xỉ. Không chỉ là trụ cột kinh tế cho gia đình, họ hàng nội ngoại, mà tôi còn phải lo cuộc sống, gia đình của anh em trong công ty, cũng vừa phải tham gia công tác xã hội, phải học tập nâng cao trình độ để đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp...
Nhưng khó nhất với tôi có lẽ là việc giải quyết những khúc mắc phát sinh trong các quan hệ đan xen nhiều thế hệ trong gia đình, từ thái độ, lời ăn, tiếng nói với bố mẹ, vợ con, làm sao để có tình, có lý, mà không mất lòng mọi người. Không có thời gian, tôi phải nhờ người trực đêm, nhờ bác sĩ gia đình theo dõi sức khỏe bố mẹ.
>> Kết cục sau 5 năm về quê làm tròn chữ hiếu
Đúng là người già đã khó tính, nhưng người ốm đau kinh niên như cha mẹ tôi lại càng khó hơn. Ngoài hay can thiệp vào chuyện gia đình, mỗi lần bấm tivi, điện thoại, bố mẹ tôi cũng phải có người phụ. Thậm chí, bố luôn yêu cầu tôi nhận và tìm việc cho người quen tại quê, nếu không cụ sẽ dỗi.
Ngoài xã hội, ở công ty, tôi luôn xếp ở hàng cao nhất, nhưng khi bước chân về nhà, tôi lập tức trở thành người có vị trí thấp nhất, nhỏ nhất, không dám nhăn mặt hoặc nói to nếu không muốn mọi người hiểu lầm. Nhiều lúc tôi phải cố nịnh nọt cả hai chị giúp việc nếu không chỉ một người bỏ đi là tô khốn đốn.
Ngoài ra, tất cả công việc lớn của hai bên nội ngoại, tôi đều phải tham gia vì tôi là cây ATM của cả gia đình. Có lúc, tôi tưởng mình bất lực, không chịu nổi sự kìm kẹp này. Nhiều bữa đang ăn, các cụ chợt khóc vì nghĩ rằng ở đây sướng trong khi người thân ở nơi khác khó khăn hơn nhiều. Tôi lại phải xoa dịu mãi họ mới yên. Mỗi lần đi viện, mặc dù tôi đã sắp xếp, liên hệ trước hết từ chi phí tới dịch vụ y tế, nhưng phải có mặt tôi hoặc có điện thoại của tôi các cụ mới yên tâm. Vậy nên, dù có đông con, nhưng các cụ không ở nhà nào quá hai tuần.
Thế nhưng, hơn 5 năm qua, từ khi mẹ ra đi, tôi vẫn luôn bùi ngùi, tiếc nhớ khôn nguôi, nhiều khi còn ân hận vì chưa làm được tốt nhất có thể. Cũng may, bố tôi được chăm sóc tốt nên giờ hơn 100 tuổi vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, vẫn làm thơ, yêu đời. Hiểu được nỗi vất vả đó, nên dù vợ chồng tôi đều có nhiều bệnh nền và trải qua phẫu thuật, nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ ở riêng, tự nuôi bố. Vì chúng tôi không muốn con mình đi theo vết xe cũ của mình.
Chúng tôi xác định, làm bố làm mẹ phải biết tự lực cánh sinh, buông bỏ tất cả những gì không cần thiết, làm những gì thiết thực cho cuộc sống của mình hiện tại, phải tự tìm cảm hứng, niềm vui cho mình, tham gia công tác xã hội, bạn bè, công việc, hoạt động phù hợp với lứa tuổi sức khỏe của mình để rèn luyện sức lực, trí lực. Nhiều tiền thì chơi golf, cà phê, ít tiền thì cầu lông, đi bộ, đạp xe...
Khi ốm đau nằm viện, nhẹ thì chúng tôi giấu các con tự xử lý, còn nặng lắm hì mới cần các con chăm. Các con còn gia đình, con cái, công việc ảnh hưởng tới nhiều người, không dễ thu xếp được. Hơn nữa, thu nhập của các con đều cao nên để thà lấy tiền đó chuyển qua việc điều trị cho cha mẹ còn tốt hơn là bỏ công, bỏ việc để chăm sóc. Đặc biệt, chúng tôi không áp đặt, can thiệp vào bất cứ quyết định nào của con, chỉ có góp ý, nếu con không nghe thì thôi.
>> Chữ 'hiếu' ngăn tôi đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão
Gia đình hai con tôi ổn định, vững vàng, một phần cũng là nhờ việc không quá nặng gánh chăm bố mẹ già. Dù không ở chung nhưng khi nào rảnh con đều ghé qua thăm chúng tôi ngay. Mỗi tuần chúng tôi ăn chung với nhau một, hai lần. Một tháng cả đại gia đình sum họp vài lần, kể cả hai thông gia của tôi. Tất cả các ngày lễ, Tết hoặc kỳ nghỉ dài ngày, các con tôi đi chơi, đi du lịch riêng, không cần phải lấn cấn chuyện ở nhà, mặc dù gia đình tôi là trưởng họ, thờ cúng giỗ chạp nhiều.
Tôi cho tiền, cho nhà nhưng các con cũng không lấy. Ngược lại, công lớn nhỏ, kể cả viện phí có khi vài trăm triệu các con cũng trả hết, không ý kiến. Tôi có chuyển trả con cũng nhất định không lấy.
Muốn có được vậy, trước tiên bố mẹ phải là tấm gương con con về lòng hiếu thảo, đức hy sinh, cũng như sự cố gắng vươn lên, không ỉ lại, luôn học hỏi để nhận biết được những thay đổi của xã hội, của mỗi thế hệ, để nuôi dạy con và điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp. Các con cũng phải nhìn nhận rõ, dù xã hội có thay đổi bao nhiêu thì sự hiếu thảo vẫn quay quanh một trục, không bao giờ được đánh mất, cũng đừng biến nó thành vòng xoáy nhấn chìm cuộc đời mình.
Với cha mẹ, cuộc sống của gia đình con cái hạnh phúc, đủ đầy mới là sự đền đáp xứng đáng nhất. Với các con trong trái tim luôn có hình bóng cha mẹ đã là trả hiếu cho bố mẹ rồi, dù các con có ở bất cứ nơi đâu, không nhất thiết cứ phải kè kè bên cạnh. Vì vậy, mong rằng các bạn đừng lăn tăn và bận lòng nhiều vì một chữ "hiếu".
Nguyen Huong VT
- Ngại đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão vì nỗi lo bất hiếu
- 'Đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão là xu thế không thể đảo ngược'
- 'Ảo tưởng viện dưỡng lão là thiên đường của tuổi già'
- 'Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là đẩy trách nhiệm cho xã hội'
- Tôi dành tiền vào viện dưỡng lão vì thấm cảnh chăm cha mẹ già
- Hạnh phúc ảo trong viện dưỡng lão
Đăng thảo luận