Đức Long Gia Lai đang gấp rút bán toàn bộ vốn góp tại công ty con ở quần đảo Virgin. Nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của tập đoàn có phần khởi sắc, tuy nhiên bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do nợ nần.
Cổ phiếu DLG bị rơi vào diện cảnh báo, vì doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính đã soát xét bán niên 2024. Hiện tại đã công bố báo cáo này. Trong ảnh là trụ sở Đức Long Gia Lai - Ảnh: BÔNG MAI
Gấp rút thoái toàn bộ vốn khỏi công ty ở quần đảo Virgin
Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG) vừa giải trình vào hôm nay, 30-9, với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Đáng chú ý, tại giải trình hôm nay, Đức Long Gia Lai giải thích thêm thông tin về việc thoái toàn bộ vốn góp tại công ty con - Mass Noble ở quần đảo Virgin (thuộc Anh). Theo đó, doanh nghiệp đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp trên cho Tập đoàn Alpha Seven với trị giá 255 tỉ đồng. Hiện các bên đang hoàn tất những thủ tục pháp lý để thoái vốn theo quy định.
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày trước Đức Long Gia Lai đã thông qua chủ trương nhận tài sản từ Tập đoàn Alpha Seven để bảo lãnh nghĩa vụ vay vốn cho một số công ty con của mình.
Giải trình lý do nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 trễ một tháng so với quy định, doanh nghiệp cho biết việc lập báo cáo riêng lẻ và hợp nhất khá phức tạp, mất nhiều thời gian.
Đến hạn nộp, nhưng do chưa cập nhật số liệu kịp thời giữa đơn vị kiểm toán Mass Noble (nước ngoài) và hãng kiểm toán tại Việt Nam (Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn chuẩn Việt), dẫn đến bị chậm công bố thông tin.
Lợi nhuận đi lên, nợ bao nhiêu mà bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?
Về bức tranh kinh doanh, theo báo cáo tài chính đã soát xét, nửa đầu năm 2024 doanh nghiệp gặt hái được hơn 590 tỉ đồng tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả trên nhờ vào doanh thu bán linh kiện điện tử tại Trung Quốc và Hàn Quốc (trực thuộc Mass Noble tại Hong Kong), cũng như doanh thu từ dịch vụ trạm thu phí BOT đều tăng.
Sau khi trừ giá vốn và chi phí, doanh nghiệp còn lãi ròng sau thuế hơn 61 tỉ đồng, tăng gần 16 tỉ đồng so với báo cáo tự lập trước đó, tăng hơn 77% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng đã hoàn thành hơn 42% về doanh thu và gần 51% về lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Cổ phiếu bị cảnh báo, Novaland và Đức Long Gia Lai nói gì?ĐỌC NGAY
Đáng chú ý, vào giữa năm nay Đức Long Gia Lai có khoản lỗ thuần của tập đoàn hơn 2.600 tỉ đồng, lỗ gần 2.800 tỉ đồng ở công ty mẹ. Đồng thời các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn lần lượt gần 830 tỉ đồng (đối với tập đoàn) và hơn 770 tỉ đồng (đối với công ty mẹ).
Chính điều này khiến hãng kiểm toán cho biết "có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục" của doanh nghiệp.
Trả lời về lo ngại của kiểm toán, Tổng giám đốc Nguyễn Tường Cọt thay mặt doanh nghiệp đứng ra giải thích.
Đầu tiên ông đưa ra các kết quả đạt được về doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong nửa đầu năm nay.
Tiếp đến, phía doanh nghiệp sẽ tiến hành đánh giá khả năng trả nợ theo thực tế của các khoản cho vay ngắn/dài hạn (gần 170 tỉ đồng) và phải thu khác ngắn hạn (hơn 28 tỉ đồng). Đồng thời làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo, tăng cường thu hồi các khoản công nợ trên trong năm nay để cung cấp hồ sơ cho đơn vị kiểm toán, nhằm tháo gỡ ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 trong thời gian sớm nhất.
Đức Long Gia Lai đang quyết tâm cấu trúc lại tình hình tài chính để giảm tối đa chi phí lãi vay, tăng cường thu hồi nợ, cắt giảm chi phí nhằm giảm nợ vay ngân hàng và các tổ chức. Cụ thể, nửa đầu năm nay đã trả gốc vay gần 150 tỉ đồng.
"Công ty khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động ổn định, khắc phục các khó khăn trước mắt và thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra", ông Nguyễn Tường Cọt chia sẻ thông qua giải trình.
Đăng thảo luận